Chẳng biết từ bao giờ, cây bắp bén rễ trên đồng đất Việt Nam và gắn bó bao đời nay với người nông dân. Giống cây trồng này chỉ ba tháng một vụ đã mang lại cho nhà nông một nguồn sống và những ngọt bùi của bắp đọng mãi suốt cả năm.
 


Ngày bẻ bắp, bà cặm cụi nhặt những nắm râu bắp còn bám trên bắp để làm đồ uống. Từ lâu, đông y khẳng định râu bắp là một vị thuốc thanh nhiệt, giải độc, mát gan và lợi tiểu. Thành thử, mùa nào cũng thế, bà không quên giữ lại râu bắp để phơi nắng sớm, xao trên chảo cho râu bắp dậy thơm rồi cất vào túi làm đồ uống dần. Bát nước sóng sánh, vàng nhạt, thơm mùi bắp đồng, uống nghe sảng khoái cái đầu, lòng dạ như được thanh lọc.

Mùa bắp, mấy đứa trẻ quê chúng tôi ríu rít chạy khắp ruộng bắp tìm những bắp bắp non choẹt, không ra hạt chế thành món ăn mới. Dân quê gọi là bắp bao tử – bắp non được bỏ vỏ, lộ lõi bằng đầu ngón tay cái; bao tử bắp trắng nõn, ăn sống cũng thấy ngon. Về nhà, đến bữa, mẹ cho bắp bao tử vào chảo mỡ xèo xèo, đảo qua đảo lại vài lượt là được một dĩa bắp xào vừa ngọt vừa giòn ngon chi lạ; chẳng phải ở đâu cũng có được.

Ngày bẻ bắp, bọn trẻ chúng tôi còn tranh nhau tìm những cây bắp to và mềm, tước bỏ vỏ, ăn như ăn mía. Tuy lõi cây bắp xốp nhưng cũng ngọt đáo để. Mấy chú trâu, bò hôm thu hoạch cũng được ngồm ngoàm lá bắp vỏ bắp no nê.

Chưa hết trong thực đơn nhà quê, chị tôi còn lấy bắp nếp trắng trộn với gạo nếp đồ xôi hay nấu chè. Ở quê có nhiều loại xôi chè nhưng chẳng hiểu sao, năm nào chị cũng không quên món dân dã này. Mùa bắp, mùa vàng nơi thôn quê, có những mùa ngọt bùi như thế…
 

Theo SGTT

.