Trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, mâm ngũ quả trên bàn thờ có vai trò đặc biệt quan trọng, là tinh túy đất trời mà con cháu dâng lên thể hiện sự biết ơn, hiếu thảo.
Tết Trung Thu là dịp để mọi người trong gia đình sum họp, quây quần bên nhau. Theo phong tục người Việt, mâm cỗ Trung thu trước là để cúng đất trời, tổ tiên sau đó mọi người cùng nhau phá cỗ, thưởng trăng.
Nước ta có ngày tết trung thu khởi nguồn từ đồng bằng sông Hồng, những món ăn trong ngày này được chế biến từ những sản vật đặc trưng Việt Nam như gạo nếp, rau quả, thịt…
Những món ăn trong ngày tết trung thu từ bao năm đến nay ngày càng phong phú, đa dạng hơn, cách chế biến cũng cầu kỳ, đẹp mắt hơn. Dưới đây là một vài món ăn ngon trong ngày tết Trung thu mà đã là người dân Việt Nam thì ai cũng biết.
Bánh trung thu
Những chiếc bánh trung thu từ lâu luôn là một “huyền thoại” gắn với tuổi thơ của mỗi người. Chúng thường được làm bằng bột mì, pha chút hương vị, bên trong có phần nhân làm bằng trứng hoặc các loại củ, quả tạo hương vị hấp dẫn.
Món ăn này không chỉ “góp mặt” trong cuộc vui của các gia đình Việt mà nó còn là món quà biếu thân thương người ta chọn để gửi tặng bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên… nhân dịp Tết trung thu.
Ngày nay, bánh Trung thu cũng đã được biến tấu với rất nhiều loại khác nhau phù hợp với gu thưởng thức của mỗi người. Bánh trung thu hiện đại phần lớn là sự cách tân kiểu dáng, da dạng về nguyên liệu của nhân bánh như đậu xanh, khoai môn, cà phê, sôcôla…
Chả cốm, xôi cốm
Nói đến Cốm thì không ai không biết món ăn này. Cốm được chế biến từ lúa nếp, rang lên cho chín, sau đó sàng, sảy cho hết vỏ trấu. Món ăn này được biết đến nhiều nhất tại vùng đông bằng bắc bộ, và cốm được chế biến thành món ăn đặc trưng thú vị trong dịp tết trung thu như chả cốm, xôi cốm...
Nguyên liệu chính để làm xôi cốm là đậu xanh, dừa nạo và cốm non. Đầu tiên dừa được tẩm với một chút được và xào trên lửa nhỏ liu diu. Đậu xanh được ngâm trước nửa ngày và hấp chín trong khoảng 25 phút, sau đó nghiền nát đậu và trộn với cốm non.
Khi đồ xôi cần phải đảm bảo hạt xôi luôn giữ được vị bùi ngọt của đậu xanh. Trong khi đồ cần lưu ý phảo mở vung nồi và đảo đều trong khoảng 7 đến 10 phút, hạt cốm phải săn lại, dẻo và không bị nát. Xôi cốm cần phải đảm bảo được đủ ba tiêu chí: độ bùi của hạt đậu xanh, vị thơm của cốm non và độ béo của dừa nạo.
Chả cốm được làm từ giò sống, mỡ phần cắt hình hạt lựu, cốm tươi và thêm lòng trắng trứng. Chỉ cần trộn đều những thứ trên lại, cho thêm ít gia vị nước mắm, bột ngọt, bột năng và ướp trong khoảng 20 phút. Lấy lá sen đã được thoa một ít dầu ăn lên lá, nặn miếng chả hình tròn và đặt trong lá sen đó. Đợi vài phút để dầu sôi nóng và chiên chả chín vàng. Món chả cốm phải đảm bảo được vị béo của mỡ phần, độ ngậy của giò sống và vị thơm của cốm non. Và chả cốm sẽ càng đậy mùi, thơm hơn nếu được gói trong lá sen.
Gỏi bưởi
Ngoài những món ăn được chế biến từ cốm thì mâm cỗ cho ngày Trung thu không thể thiếu những món ăn thanh mát được chế biến từ quả bưởi.
Những múi bưởi mọng nước được tách ra, xé tơi, trộn với tôm sú luộc, thịt ba chỉ thái mỏng và hỗn hợp nước trộn gỏi chua cay mặn ngọt cực kỳ hấp dẫn.
Gỏi bưởi có vị chua nhẹ ăn cùng với tôm và thịt luộc cộng thêm lớp hành phi vàng ruộm ăn cực ngon mà không hề chán. Đây cũng là gợi ý cho bạn nếu trong bữa ăn có nhiều món dầu mỡ đấy!
Canh khoai môn
Nhiều người quan niệm, ăn khoai môn có tác dụng diệt ác, trừ ta và tôn sùng cái thiện. Qua đó, việc ăn khoai môn vào ngày tết trung thu có ngụ ý muốn xua tan điều không may và cầu mong một vụ mùa sắp tới may mắn.
Canh khoai môn là một món canh không còn xa lạ gì với các gia đình. Canh khoai môn thường được nấu với xương heo, sườn non… nhưng các bạn thử nấu với thịt gà cũng vô cùng ngon.
Thịt gà rửa sạch, chặt miếng vuông, ướp hạt nêm khoảng 15 phút, khoai môn gọt vỏ, thái quân cờ. Bắc chảo lên bếp, đun nóng dầu ăn, cho thịt gà vào chiên qua. Cho thịt gà, đậu trắng, khoai môn, nước lạnh vào nồi. Đun sôi, vặn nhỏ lửa, đun đến khi tất cả các nguyên liệu đều chín mềm, nêm hạt nêm vừa miệng, rắc hành, mùi.
Món ăn chế biến từ ngó sen
Ngó sen là thứ nguyên liệu đặc trưng của mùa thu dành cho ngày tết Trung thu. Ngoài ra, ngó sen còn biểu tượng cho sự cát tường, ăn ngó sen trong dịp tết trung thu nghĩa là sự đoàn viên.
Dùng ngó sen, hoa quế trộn vào các thức ăn tạo ra hương vị của món ăn mới, hấp dẫn và có hương vị thơm ngon hơn rất nhiều.
Bạn có thể cho ngó sen, hoa quế trộn cùng với xôi, mùi thơm của gạo nếp cộng với mùi thơm của ngó sen và mùi thơm của hoa quế sẽ tăng thêm hương vị đậm đà của xôi, khiến cho bữa tiệc đoàn viên của gia đình càng thêm ấm cúng.