Thời tiết lạnh những ngày cuối năm cũng đồng nghĩa việc người dân TP. Bến Tre tất bật chuẩn bị đón chào năm mới đến. Trong một xóm nhỏ ở phường 7, có người phụ nữ gần 60 tuổi vẫn ngày ngày làm bánh phồng chuối nướng, vừa để phục vụ nhu cầu hàng ngày của “thượng đế” nhưng cũng là “tất bật” chuẩn bị đón Tết về.

Chiếc bánh phồng chuối nướng đẹp như một bông hoa, vị ngọt béo của nước cốt dừa, khoai mì và mùi chuối nướng thơm phức, cắn vào lại giòn rụm là món ăn vặt khoái khẩu và lạ miệng với nhiều người. Hơn 40 năm “kiếm cơm” bằng nghề bạn hàng bánh kẹo, giờ cô Huỳnh Thị Công đã gần 60 tuổi và dừng lại với nghề làm bánh phồng chuối nướng.

Năm 14 tuổi, cuộc sống gia đình khó khăn nên cô Công đã phải vào đời lăn lộn kiếm sống. Nhờ vậy mà cô giỏi, biết làm đủ thứ việc. Lúc trẻ thì làm bạn hàng bỏ rau củ quả, bạn hàng bánh kẹo, “hoạt” hàng cho các lò bánh ở TP. Bến Tre. Lò nào có bánh, kẹo ngon cô biết hết, rồi “hoạt” làm sao cho người ta chịu mua, chịu lấy hàng bán lâu dài, cô kể rành mạch như: bánh tai heo lò Ngọc Trinh, bánh đuông Trung Hiếu, thạch dừa Minh Châu, kẹo dừa Thanh Long, Yến Hương…

Những năm tháng bôn ba mang những sản phẩm Bến Tre đi bán, nhiều nhất là cánh Trà Vinh, ai cũng biết tiếng cô Công. Thời gian cơ cực đã lấy đi tuổi trẻ của người phụ nữ ấy. “Vả lại bạn hàng giờ nhiều, cạnh tranh gay gắt mà mình thì ít vốn, buôn bán ngày càng khó khăn nên tôi quyết định làm bánh phồng chuối nướng để bán”, cô tâm sự.

Nghe cô Công nói mỗi ngày mình cô dán được khoảng 400 chiếc bánh chuối, tôi lấy làm ngạc nhiên vì đã từng thấy người ta làm bánh chuối nướng, rất tốn công, mất thời gian để cắt, dán từng miếng chuối lên chiếc bánh phồng. Thế nhưng, cô lại có cách làm sáng tạo riêng, nên chiếc bánh không chỉ đẹp, chuối cắt dán đều mà còn nhanh nữa.

Đôi tay vẫn thoăn thoắt vừa làm, cô vừa chia sẻ, bánh phồng chuối nướng cô làm có 3 loại: bánh phồng chuối gừng (sống), bánh phồng chuối gừng mè nướng, bánh phồng chuối sữa sầu riêng nướng. Giá mỗi loại dao động 40.000 đồng-50.000 đồng/chục (10 chiếc). Các công đoạn làm bánh khá đơn giản, tuy nhiên khi mua bánh phồng cần chọn những lò làm ăn uy tín, an toàn vệ sinh thực phẩm, chuối dán là chuối xiêm vừa chín tới còn nguyên vẹn, xiêm đen thì càng ngon. Sau đó cắt chuối dán lên mặt bánh cho đều tay, đem phơi khoảng một ngày rưỡi thì mang vào nướng, nếu không đủ nắng bánh sẽ bị đen, phải bỏ. Mất hơn ba ngày, cô mới có thể làm ra những bịch chuối nướng mang tên “Bánh chuối nướng Cô Công” bỏ cho các quầy hàng từ Tiền Giang đi Mỹ Thuận, bến xe Phương Trang... “Cái nghề này cực khổ, không ai bắt chước nên mấy năm nay nhờ nó mà sống!”, cô cười nói.

Về cách làm, người ta thường cắt từng miếng chuối rồi dán xuống chiếc bánh, làm như vậy cô thấy năng suất không cao, chỉ có một mình nên cô Công nghĩ ra cách làm khác nhanh hơn. Đó là ụp trái chuối xuống chiếc bánh và lia dao. Nhờ vậy mà cô dán chuối rất nhanh, miếng chuối đều, chiếc bánh đẹp như một bông hoa. Mỗi ngày bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, không kể thời gian đi chợ, nấu nướng cô dán hết 40kg chuối, ra được 400 chiếc bánh, rồi đem phơi cạnh nhà. Thời buổi ngày nay, cuộc sống người ta khấm khá nên mình phải làm bánh có chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe thì mới mong tồn tại lâu dài được, những năm tháng vất vả mưu sinh đã dạy cô bài học đó.

Bánh chuối nướng ngày Tết thì càng hút, Tết người ta về quê hay khi đi làm trở lại cũng mua nên bán chạy lắm. Từ đây đến Tết ngày nào cô cũng làm bánh chuối nướng, đến đầu tháng Chạp thì lo gom bánh phồng khoảng 10 thiên (10.000 chiếc) để dành dán chuối, vì thường khoảng 20 âm lịch các lò bánh đã nghỉ. “Mấy năm nay mùng 1 mà tôi cũng ngồi dán nữa đó”. Nụ cười trên gương mặt hằn vết bươn chải của cô Công sáng lên bên trong một gian nhà lá.

 

Theo Đồng khởi

.