Từ nhiều năm qua, bánh phồng tôm đã trở thành một món "ăn chơi" đặc sản ở vùng bán đảo Cà Mau, nổi tiếng nhất là 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Đây là một trong những sản phẩm không thể không nhắc đến khi nói về ẩm thực ở vùng đất này ngoài cua, tôm…
Theo người dân địa phương, đặc sản này trở nên nổi tiếng nhờ vào nguồn tôm nguyên liệu dồi dào, chất lượng được nuôi dưỡng ở đây.
Để làm bánh phồng tôm, người dân thực hiện cơ bản một số quy trình như luộc tôm rồi xay nhuyễn, cùng với bột năng, lòng trắng trứng gà, bột nở, hành lá, tiêu… rồi trộn đều và cho vào nồi hấp. Sau khi bột chín, đem phơi nắng cho khô là đã có ngay món đặc sản này.
Bà Nguyễn Thị Mười (ngụ tỉnh Bạc Liêu) cho biết, muốn bánh phồng tôm ngon thì gia vị phải hòa quyện, khi chiên bánh lên ăn thấy thơm, xốp, mềm. Đặc biệt, phải dùng con tôm còn tươi để làm bánh, chủ yếu là loại tôm đất, tôm bạc ở vuông nuôi tự nhiên.
Ông Đào Văn Hòa (ngụ huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) cho biết, ngày thường, mỗi tháng nhà ông sản xuất khoảng 2 tấn bánh phồng tôm bán cho khách hàng. Tuy nhiên, vào dịp Tết thì sản lượng có khi phải tăng gấp đôi.
"Bánh phồng tôm cũng có nhiều loại, trong đó ít tôm hoặc nhiều tôm thì giá cả cũng khác nhau, trung bình từ 50.000 đồng/kg đến hơn 25.000 đồng/kg. Với giá này, sản xuất ổn định thì 2 tấn bánh, có lãi trên dưới 30 triệu đồng", một chủ cơ sở bánh phồng tôm ở Cà Mau cho biết.
Khi ăn bánh phồng tôm, người dân chỉ cần cho từng miếng bánh đã cắt nhỏ vừa phải vào chảo chứa dầu ăn đun nóng chiên lên trong ít phút là đã có ngay món ăn ngon. Từ vị ngọt của tôm kết hợp với vị cay của tiêu, hương thơm hành lá, cảm giác giòn tan khi ăn đã khiến nhiều người "mê tít".
"Bánh phồng tôm giá cả vừa túi tiền, có thể chế biến đơn giản nên tôi luôn mua để sẵn dùng trong nhà. Món này tiện chế biến, dễ ăn lắm", bà Nguyễn Thị Mới (ngụ tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ.
Bánh phồng tôm là một trong những món đặc sản được nhiều du khách chọn mua khi đến Cà Mau, Bạc Liêu để về ăn hoặc làm quà biếu cho người thân, bạn bè rất tiện lợi.