Ở những lung bàu, kênh rạch miền Tây Nam bộ thường có cây ấu mọc hoang. Đây là loài cây sống dưới nước; thân ngắn, có lông. Cây có hai thứ lá: lá nổi có phao ở cuống, hình quả trám, mép trên có răng cưa, dài cỡ 4 - 5 cm, cuống dài từ 10 đến 15 cm, giữa có phao; lá chìm thì phiến lá giảm, phiến xẻ lông chim nhưng rất nhỏ nên trông chỉ còn có các đường gân. Bông ấu màu vàng mọc đơn độc hay ở kẽ lá.


Ấu luộc chín, cắn bỏ vỏ, ruột ấu có màu trắng ngà ăn vừa ngọt, vừa bùi. Ngày xưa, khi cha ông ta đến vùng đất này khẩn hoang khai hóa, chính củ ấu là nguồn lương thực bổ sung quan trọng giúp con người no lòng ấm dạ.

Ngoài ra, củ ấu còn có chức năng chữa bệnh. Theo Đông y, thịt trái ấu có vị ngọt, tính mát, tác dụng bổ mát, giải thử nhiệt, giải độc, trừ phiền. Ăn vào giúp ích khí, kiện tỳ, bổ ngũ tạng. Sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân (1518 - 1593) cho rằng: củ ấu có công năng cầm tiêu chảy, chữa kiết lỵ, đại tiện ra máu, loét dạ dày… Theo kinh nghiệm dân gian thì vỏ trái ấu dùng chữa loét dạ dày và loét cổ tử cung. Toàn thân cây dùng chữa trẻ em sài đầu, giải độc rượu và làm cho sáng mắt.

Dân gian có câu Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau bồ hòn cũng méo để nói về tác động chủ quan từ tình cảm đến lý trí con người. Củ ấu gai góc là vậy nhưng khi đã thương nhau rồi thì hình ảnh cũng thành tròn trịa; một cách nói quá, ví von thật thú vị của người bình dân. Từ loại cây mọc dại, hình thù xấu xí nhưng dân gian đã biết tận dụng làm món ăn vừa ngon miệng vừa có tác dụng bồi bổ cho sức khỏe. Quả là sự tận dụng thiên nhiên một cách tài tình đến tuyệt vời vậy!


Theo TBKTSG

.