Chuối lùn là cách người miền Trung gọi chuối xanh. Người miền Trung thăm bệnh thường biếu chuối lùn, bởi cho rằng ăn chuối xanh sẽ tốt... đủ thứ. Đây là loại chuối mà dân gian xem như “thuốc” chữa dạ dày, chống táo bón, làm đẹp da, giải rượu...
 


Chuối lùn có ở khắp mọi vùng quê của miền Trung bởi dễ trồng, dễ lớn và dễ sai trái. Cũng vì sự “dễ dãi” của chuối lùn, nên nhiều nhà vùng nông thôn, dù chỉ trồng để ăn, nhưng đến độ chín ăn không hết trái, phải mang ra chợ bán hoặc cho hàng xóm. Cũng vì nhiều, nên người ở quê luôn nghĩ nhiều cách để chế biến chuối lùn khi còn xanh thành nhiều món ngon, chứ không chỉ để ăn khi chuối chín tới. Có thể nói, ấn tượng nhất với tôi là món canh chuối lùn xanh.

Canh chuối lùn xanh nấu với thịt heo băm hoặc xương đều ngon... lặng người. Chuối vừa già tới, vẫn còn xanh um, trái tròn chắc, thì chọn lấy 5-6 trái cho một nồi canh 3-4 người ăn. Gọt nhẹ vỏ lụa xanh mỏng bên ngoài, vừa gọt vừa ngâm vào nước cho mủ chuối không làm đen ruột. Sau đó, cắt thành từng khoanh mỏng. Rửa sạch để ráo, cho vào nước sôi trụng sơ, và cho ra rổ. Xương hầm gần chín mềm hoặc thịt heo bằm ướp gia vị, tao nhẹ và cho nước dùng vào nấu sôi, thì cho chuối vào. Chuối xanh rất nhanh chín, nên không cần phải nấu lâu. Nêm gia vị tùy theo khẩu vị. Món canh có vị nước ngọt lành, miếng chuối mềm và bùi, dai dai và dẻo, tan nhẹ trong miệng...
 

Theo Thanh niên