1. Mứt bí xanh trà xanh
Nguyên liệu:
- Bí đao gọt bỏ vỏ và phần cùi xanh, thái con chì tuỳ ý.
- Nước vôi trong
- Phen chua – khoảng 10gr
- Đường trắng
- Bột matcha trà xanh
Cách làm:
- Ngâm bí với nước vôi trong trong 4-5 tiếng, sau đó vớt ra rửa sạch nhiều lần với nước lạnh.
- Bắc nồi ngập nước, bỏ thêm 1 ít phèn chua vào khuấy đều, nước sôi bỏ bí vào và tắt bếp, ko đậy vung (vì bí có thể sẽ bị vàng) trong 5’ rồi đổ ra rửa lại bằng nước lạnh nhiều lần. Để ráo nước.
- 500gr bí thì sẽ dùng 400gr đường trắng + bột matcha khoảng 5-10gr, ngâm trong 6-8 tiếng.
- Sau đó đường sẽ chảy nước và bí có màu xanh. Đổ hỗn hợp này lên chảo, đun thật nhỏ lửa. Mọi người sẽ thấy bí ướt và rất lâu để cạn, nhưng làm mứt thì phải kiên chì chút chút. Sau khoảng 2-30’, bí ráo nước, mình dùng muôi gỗ và đũa, đảo theo kiểu hất lên (ko đảo như rang lạc hay khuấy tròn vì sẽ bị nát bí). Đảo đến khi xuất hiện đường kết tinh màu trắng đáy chảo và xung quanh miếng bí thì tắt bếp, tiếp tục đảo đến khi nguội dần.
- Đổ ra mâm có lót báo và mang phơi cho bí khô và để dùng được lâu.
2. Mứt quất dẻo
Nguyên liệu:
- Quất: 1kg
- Đường: 500gr
- Mật ong: 100gr
- Vôi: 30gr
- Phèn chua: 1 thìa ăn phở muối ướp quất chảy ra.
- Nhớ dùng 1 chiếc bát to để đựng nước và hạt quất.
Cách làm
- Hòa 30gr vôi với khoảng 1,5 lít nước, để cho nước vôi lắng cặn thì gạn lấy phần nước vôi trong bên trên.
- Thả quất vào nước vôi trong ngâm khoảng 4- 5 tiếng. Sau đó vớt quất ra, rửa lại với nước sạch vài lần để loại bỏ mùi vôi.
- Đun sôi phèn chua với 1 lít nước, cho quất vào chần nhanh trong khoảng 2 phút. Sau đó vớt quất ra và rửa lại 1 lần nữa với nước sạch (vừa rửa vừa bóp bẹp quả quất cho ra hết nước).
- Ướp đều quất với đường và mật ong trong 1 cái nồi, để ngâm khoảng 30 phút. Phần nước quất ép ra ở bước 3 thì đem lọc bỏ hạt, lấy phần nước quất đổ vào nồi quất.
- Cho nồi quất lên bếp, đun sôi rồi hạ lửa ở mức nhỏ. Thi thoảng cầm quai nồi nghiêng qua nghiêng lại cho đường chảy tràn lên mặt quất (không đảo quất vì sẽ làm quất bị nát). Khi nước rim quất cạn, những quả quất chuyển màu vàng trong óng ả thì tắt bếp.
- Gắp từng miếng mứt quất xếp lên giá, bên dưới có đặt khay hứng nước đường chảy từ mứt quất xuống. Đem mứt đi hong nắng cho đến lớp đường bao quanh mứt khô lại. Hoặc cho mứt vào hong trong tủ lạnh hoặc sấy bằng lò nướng với nhiệt độ khoảng 100 độ C cho đến khi mứt khô. Khi mứt quất đã khô hẳn thì cho mứt vào lọ thủy tinh để bảo quản và dùng dần.
3. Mứt dừa vị dâu tây
Nguyên liệu:
- Dừa bánh tẻ
- Đường trắng
- 1 thìa bột dâu tây hoặc bạn có thể dùng dâu tây tươi, thanh long đỏ để tạo màu hồng (hoặc bạn cũng có thể làm hương vị khác)
Cách làm:
- Dừa sau khi mua về bạn gọt sạch lớp vỏ nâu bên ngoài, sau đó dùng cây nạo chuyên dùng để nạo vỏ trái cây rồi nạo thành các sợi dài hoặc ngắn tùy theo ý thích.
- Cho dừa vừa nạo vào chậu nước ấm, rửa sạch vài lần tới khi nước trong để loại bỏ bớt chất dầu có trong dừa, như vậy mứt dừa sau khi làm xong sẽ để được lâu hơn, vớt dừa ra để ráo nước.
- Bạn đun một nồi nước sôi sau đó cho dừa vào chần sơ qua khoảng 1 phút để dừa có độ mềm. Vớt dừa ra khỏi nồi nước sôi và để cho nguội bớt. Nếu bạn sử dụng thanh long đỏ hoặc dâu tây tươi cần xay nhuyễn và lọc lấy nước cốt.
- Ướp dừa, bạn cho dừa vừa chần vào tô sau đó cân lên, cứ 1 kg dừa bạn cho 500-550 gram đường là vừa độ ngọt. Trộn thật đều cho đường tan hết sau đó ướp dừa khoảng 3-4 tiếng cho ngấm đường.
- Sau thời gian ướp dừa bạn đổ dừa và nước đường vào chảo, bật bếp đun cho nước đường sôi lên thì để lửa nhỏ vừa cho dừa ngấm đường hơn.
- Tiếp tục sên cho tới khi nước đường rút cạn bớt thì bạn cho bột dâu tây vào cùng, hoặc nước cốt thanh long đỏ, dâu tây tươi và đảo đều nguyên liệu cho dừa nhuộm thành màu hồng.
- Sên thêm vài phút là nước đường keo lại, lúc này bạn để lửa nhỏ nhất và gỡ nhẹ cho các sợi mứt tơi ra, khô ráo và có đường kết tinh bám trên mứt là tắt bếp. Tiếp tục đảo thêm 2-3 phút nữa cho mứt khô ráo hoàn toàn, như vậy mứt sau khi nguội mới không bị chảy nước.
- Đợi mứt nguội là có thể đóng gói hoặc cất trong hũ sạch đậy nắp kín, bảo quản nơi thoáng mát.
4. Mứt gừng dẻo
Nguyên liệu:
- Gừng non: 300gr
- Dứa: 1 quả nhỏ hoặc 150gr
- Đường: 200gr
- Phèn chua: 5gr
- Chanh: 2 quả
Thực hiện:
- Dứa gọt vỏ, cắt bỏ mắt và xắt hạt lựu hoặc xay nhuyễn tùy sở thích.
- Gừng rửa sạch, cạo vỏ, thái chỉ.
- Pha vào nước sạch nước cốt 1 quả chanh và ngâm gừng trong khoảng 15 phút để gừng không bị thâm. Sau đó vớt ra rửa sạch.
- Đun sôi 2 lít nước với 5gr phèn chua để chần qua gừng. Cho gừng vào trần với nước trong khoảng vài phút, sau đó vớt ra xả sạch với nước lạnh vài lần cho hết phèn.
- Trộn gừng với nước cốt của 1 quả chanh còn lại, thêm dứa xắt hạt lựu và đường vào, trộn đều và để qua đêm hoặc cho đến khi đường tan hết.
- Khi đường tan hết thì đem sên gừng ở lửa nhỏ cho đến khi gừng dẻo, trong, ăn có vị chua ngọt thanh thì tắt bếp. Để mứt dừng dẻo nguội cho vào lọ thủy tinh và cất tủ lạnh. Có thể ăn kèm với lạc rang (đậu phộng) giã nhỏ nếu thích.
Mứt gừng dẻo đạt yêu cầu là khi ăn, thấy gừng dẻo, trong, có vị chua ngọt thanh phảng phất mùi dứa, thơm thơm mùi gừng là được.
5. Mứt khoai lang
Nguyên liệu:
- 3 củ khoai lang khoảng hơn 1 kg, 350gr đường
- 1 muỗng canh vôi
- 1 chút muối
- 1 muỗng cà phê vanilla
- 1 trái cam lấy vỏ thái sợi.
Thực hiện:
- Vôi, 1.5 lít nước lạnh cho hết vào 1 cái âu to hòa tan. Lọc lấy nước trong. Sau đó cho 1 muỗng cà phê muối vào âu nước vôi trong hòa tan.
- Khoai lang gọt vỏ, thái miếng hình chữ nhật có độ dày hơn 1/2 đốt tay.
- Rửa khoai qua nước lạnh, sau đó ngâm khoai vào âu nước vôi. Ngâm 1 đêm.
- Vớt khoai ra rổ, rửa qua nước lạnh nhiểu lần cho sạch. Để khoai thật ráo.
- 200gr đường. 400ml nước lạnh hòa tan trong 1 cái nồi, cho khoai và vỏ cam vào bắc lên bếp nấu 20 phút với lửa vừa. Sau đó hạ lửa thấp rim cho khoai chín và nước đường rút hết vào khoai là tắt bếp. Nhớ trong khi rim bạn thường trở đều miếng khoai nhé.
- Xếp khoai lên vỉ đem ra phơi nắng 3 tiếng cho khoai hơi khô, bạn có thể sấy khoai trong lò nướng hay lò vi sóng ở nhiệt độ 80 độ C.
- Cho đường còn lại cùng với 70ml nước lạnh và vanilla vào nồi hòa tan, bắc lên bếp nấu sôi, sau đó hạ lửa nấu 3 phút nữa.
- Bây giờ bạn cho khoai lang sấy/ phơi hơi khô vào sên lửa thật nhỏ để đường kết tinh bám xung quanh khoai (7-10 phút). Khi thấy đường kết tinh khô ráo là tắt bếp. Cho mứt khoai lang ra khay, phơi nơi có nắng 1-2 tiếng để khoai càng khô hơn. Khi phơi mứt khoai xong, chờ khoai nguội, mới cho khoai vào hũ, bảo quản nơi thoáng mát.