Tính đến 6h sáng nay (1/8), theo Worldometers, thế giới ghi nhận 17.727.774 ca nhiễm COVID-19, 681.936 ca tử vong và 11.142.804 ca khỏi bệnh.
Ba quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm hiện này là Mỹ, Brazil và Ấn Độ với lần lượt tổng số ca bệnh tới nay là 4.700.588; 2.662.485 và 1.696.780. Số người đã chết vì COVID-19 của 3 nước này là 156.701; 92.475 và 36.551.
Ngày 31/7, Ủy ban khẩn cấp của WHO đã có cuộc họp đánh giá tình hình dịch bệnh kể từ khi bùng lên tại Trung Quốc cuối tháng 12 năm ngoái. Ủy ban khẩn cấp của WHO gồm 18 thành viên và 12 cố vấn tới nay đã họp lần thứ 4 về dịch COVID-19.
Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, đại dịch này là một cuộc khủng hoảng y tế một trăm năm nay mới xảy ra một lần, những tác động của nó sẽ còn kéo dài trong nhiều thập kỷ.
Theo các chỉ số thống kê kinh tế quý 2/2020 công bố ngày 31/7, tình trạng suy thoái kinh tế ở mức kỷ lục đã ghi nhận tại nhiều nước trong bối cảnh tổng số ca nhiễm mới mỗi ngày trên toàn cầu chạm mức 300.000 ca.
Nhiều nước Tây Âu công bố các mức sụt giảm kinh tế lịch sử, trong khi ngày 31/7 Vương quốc Anh buộc phải áp đặt lệnh phong tỏa trở lại tại nhiều hạt phía bắc bất kể sức ép mở cửa lại nền kinh tế đã rất căng thẳng.
Theo hãng tin AFP, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết Anh sẽ dừng nới lỏng các biện pháp phong tỏa trong ít nhất 2 tuần sau khi số ca COVID-19 tăng. Như vậy, việc mở lại các hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao sẽ bị lùi lại ít nhất tới 15/8.
Cụ thể kinh tế Pháp trong quý 2 đã giảm 13,8%, Tây Ban Nha giảm 18,5% trong khi Bồ Đào Nha và Ý lần lượt giảm 14,1% và 12,4%. Về tổng thể, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của khối eurozone giảm 12,1% trong khi toàn liên minh châu Âu giảm 11,9%.
Trong khi đó tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng là quốc gia bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nhất, GDP quý 2 cũng đã giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, một tỉ lệ tồi tệ nhất từng ghi nhận ở Mỹ.
Theo thống kê, số ca thiệt mạng vì COVID-19 ở Mỹ tăng gần 25.000 trường hợp trong tháng 7. Số ca nhiễm mới cũng tăng gấp đôi (gần 1,8 triệu ca) ở ít nhất 18 bang. Con số thực tế có thể cao hơn bởi nhiều bang vẫn chưa công bố số liệu. Với 4,5 triệu ca bệnh và 152.000 người chết, Mỹ hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới.
Các bang có tỷ lệ lây nhiễm tăng mạnh nhất là Florida, California và Texas với trung bình từ 250.000-300.000 trường hợp trong tháng 7. Tỷ lệ lây nhiễm của các bang này tăng gấp đôi so với tháng 6. Cũng trong tháng 7, 33/50 bang Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục trong một ngày, 19 bang xác nhận số ca thiệt mạng cao nhất trong 1 ngày.
Ngày 31/7, Philippines ghi nhận hơn 4.000 ca mắc COVID-19 trong ngày, đánh dấu ngày thứ 2 liên tiếp nước này báo cáo số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất Đông Nam Á. Philippines có thêm 40 người chết vì COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng vì dịch tại nước này lên 2.023. Với 93.354 ca bệnh, Philippines hiện là vùng dịch lớn thứ 2 Đông Nam Á sau Indonesia.
6h sáng 1/8, Bộ Y tế công bố thêm 12 ca mắc COVID-19 tại Đà Nẵng. Bộ Y tế cho biết, 12 bệnh nhân này đang được cách ly tại các cơ sở y tế ở Đà Nẵng. Các bệnh nhân trong độ tuổi từ 2 tới 78 tuổi, tất cả đều liên quan tới Bệnh viện Đà Nẵng và tiếp xúc với những người từng bị phát hiện nhiễm virus corona trước đó.
Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, Việt Nam hiện có 558 ca bệnh, trong đó 302 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số lượng ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 116 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 91.462. Trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 953; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 18.063.
Tiểu ban Điều trị -Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết hiện số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 6 ca và 8 ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2. Việt Nam có 2 ca tử vong.
|