Trong 5 năm tới, khủng bố sẽ biến trí tuệ nhân tạo thành vũ khí
Cập nhật lúc 18:25, Thứ sáu, 23/02/2018 (GMT+7)
Các chuyên gia cảnh báo cần phải có những biện pháp bảo vệ ngay trước khi quá muộn, trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành nguồn vũ khí tiềm năng cho các băng nhóm tội phạm và khủng bố khai thác.
|
|
Cần phải có quy định mới kiểm soát trí tuệ nhân tạo để ngăn chặn nguy cơ bị "vũ khí hóa". Ảnh: Reuters. |
Theo báo cáo có tên gọi "Sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách ác ý", các chính phủ đã có thể âm mưu sử dụng các kỹ thuật mới, bao gồm thiết bị bay không người lái tích hợp tên lửa, các công cụ tấn công mạng tự động, làm video giả mạo…
Kênh truyền hình Nga RT cho rằng chỉ trong vòng 5 năm tới, trí tuệ nhân tạo sẽ bị tội phạm lợi dụng. Làm giả video, giả mạo giọng nói mục tiêu, sử dụng phần mềm nhận diện khuôn mặt, máy bay không người lái tấn công các cá nhân cũng như phục vụ mục đích thao túng chính trị.
Miles Brundage – nhà nghiên cứu thuộc Viện Tương lai Nhân loại của Đại học Oxford - cho biết: “Trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi hình thức gây nguy hiểm cho công dân, tổ chức và nhà nước – ở đó các tay tội phạm huấn luyện máy móc có kỹ năng giống người để tấn công mạng hoặc do thám, thu thập thông tin, nhận dạng mục tiêu”.
Bản báo cáo dài 100 trang là công sức đóng góp của một loạt các tổ chức quyền lợi kỹ thuật số, bao gồm các tổ chức OpenAI, The Electronic Frontier và Trung tâm An ninh Mỹ mới.
Tiến sĩ Seán Ó hÉigeartaigh – giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Nguy cơ Sự sống đồng thời là một trong số các tác giả hoàn thành bản báo cáo trên - cảnh báo: “Trí tuệ nhân tạo là một công cụ thay đổi cuộc chơi và bản báo cáo này vẽ ra viễn cảnh thế giới trong 5-10 năm tới. Chúng ta phải có những lựa chọn ngay bây giờ, và báo cáo của chúng tôi là lời kêu gọi chính phủ các nước, các tổ chức và cá nhân toàn cầu hành động… Bản báo cáo này cho thấy các phương án hiện giờ không còn hiệu quả nữa. Cần phải có những cách tiếp cận rộng mở, ví dụ cách làm thể nào để thiết kế phần mềm, phần cứng ít bị tấn công mạng hơn, hay thiết lập quy định và luật lệ quốc tế mới có thể đối phó với tình trạng này”.
Hồng Hạnh/Báo Tin tức