Ngày 6/1, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc cho biết, trước đó vào trưa cùng ngày, Triều Tiên đã phóng một phi đạn, nghi là tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) hướng về vùng biển phía đông, đánh dấu “hành động khiêu khích” đầu tiên của Bình Nhưỡng trong năm nay và trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

JCS cho biết, vụ phóng IRBM thực hiện vào khoảng 12h trưa từ khu vực Bình Nhưỡng. Tên lửa bay khoảng 1.100 km trước khi rơi xuống vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên.

Một quan chức JCS cho biết, mặc dù tên lửa bay xa không đạt tới tầm bắn 3.000- 5.500 km của một IRBM, nhưng nó bị nghi ngờ có những đặc điểm tương tự như tên lửa siêu thanh tầm trung nhiên liệu rắn mà Triều Tiên phóng vào tháng 1 và tháng 4 năm ngoái.

leftcenterrightdel
 IRBM Hwasongpho-16B của Triều Tiên trên bệ phóng di động trước lúc khai hỏa.Nguồn: KCNA.

Nếu được xác nhận là tên lửa siêu thanh, đây sẽ là tên lửa cùng loại của Triều Tiên có tầm bay xa nhất.

Tên lửa tầm trung có khả năng vươn tới toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản cũng như lãnh thổ Guam của Mỹ, nơi có các căn cứ quân sự quan trọng của nước này ở  tây Thái Bình Dương.

Truyền thông Hàn Quốc nói, có thể Bình Nhưỡng đã giảm tầm bắn của tên lửa để vừa thể hiện năng lực tấn công vào đảo Guam, vừa kiềm chế Chính phủ mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Vụ phóng mới nhất diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang thăm Seoul để thảo luận về những nỗ lực ngăn chặn các mối đe dọa từ Triều Tiên, trong bối cảnh bất ổn chính trị ở Hàn Quốc, bắt nguồn từ nỗ lực ban bố thiết quân luật bất thành của Tổng thống Yoon Suk Yeol.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh vụ phóng IRBM Hwasongpho-16B của Triều Tiên vào sáng ngày 2/4/2024. Nguồn: KCNA.

Các quan chức Hàn Quốc đã cảnh báo, Triều Tiên có thể lợi dụng cuộc khủng hoảng chính trị ở Seoul để tiến hành các hoạt động quân sự và gia tăng căng thẳng xuyên biên giới.

JCS cho biết, đang tăng cường giám sát và cảnh giới trước khả năng Triều Tiên tiếp tục các hành động “khiêu khích”, đồng thời chia sẻ thông tin một cách chặt chẽ với các đồng minh Mỹ và Nhật Bản.

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, sau khi bay xa khoảng 1.100 km với độ cao tối đa 100 km, tên lửa của Triều Tiên dường như đã rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của nước này trên Biển Nhật Bản. Không có thiệt hại về hàng không và tàu thuyền được báo cáo.

leftcenterrightdel
 Lần gần nhất Triều Tiên phóng loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào ngày 5/11/2024. Ảnh: KCNA.

Phát biểu với báo chí tại Jakarta khi đang ở thăm Indonesia, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho biết, Tokyo đã gửi công hàm phản đối gay gắt vụ phóng tên lửa, nói rằng, các hành động của Triều Tiên bao gồm các vụ thử tên lửa trước đó đe dọa hòa bình và an ninh của Nhật Bản, khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.

Theo ông Nakatani, vụ phóng đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.

Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru đã chỉ thị các bên quan liên quan nhanh chóng cung cấp thông tin cần thiết cho công chúng, đảm bảo an toàn cho hoạt động hàng không và hàng hải trong khu vực và sẵn sàng cho các tình huống bất ngờ.

Lần gần nhất Triều Tiên phóng loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào ngày 5/11/2024, ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Văn Phong/Yonhap, Kyodo