|
|
Tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến lược di động tầm trung mang đầu đạn hạt nhân Pershing của Mỹ. Ảnh: Wikipedia |
Theo kênh truyền hình RT, Tổng thống Trump cho biết những lời nói của ông nhằm thẳng tới Moskva và Bắc Kinh, khi ông quyết định Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp định Vũ khí Tên lửa Hạt nhân Tầm trung (INF). Tổng thống Trump ám chỉ Trung Quốc cũng nên là một phần của thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân mới.
“Nga không tuân theo thỏa thuận. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường kho vũ khí hạt nhân cho đến khi mọi người suy nghĩ hợp lý trở lại. Khi họ làm được như vậy, chúng tôi sẽ dừng lại. Không chỉ tạm dừng, mà chúng tôi sẽ cắt giảm, và chúng tôi mong muốn điều đó”, Tổng thống Trump trả lời phóng viên ở ngoài Nhà Trắng hôm 22/10.
Khi được hỏi liệu câu nói này có được coi như một mối đe dọa, Tổng thống Trump khẳng định là có: ‘Nó là mối đe dọa với bất kỳ ai mà các ông muốn, bao gồm Trung Quốc, bao gồm Nga”.
Tổng thống Trump nói thêm Mỹ “đang có nhiều tiền hơn bất kỳ ai”, ám chỉ một cuộc chạy đua vũ trang sẽ chẳng là gánh nặng của quốc gia này.
Việc ký kết Hiệp định Vũ khí Tên lửa Hạt nhân Tầm trung (INF) vào năm 1987 là một khoảnh khắc lịch sử khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nếu như Tổng thống Trump rút Mỹ ra khỏi INF, điều này sẽ dẫn tới Hiệp định Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (New START) là trở ngại cuối cùng đối với Mỹ trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân. Hiệp định New START sẽ hết hiệu lực vào năm 2021, và Washington vẫn chưa quyết định ký gia hạn tiếp hay không, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cho biết trong chuyến thăm Moskva ngày 22/10.
Trong nhiều năm qua, Moskva và Washington liên tục tố cáo nhau vi phạm quy định thỏa thuận. Trong khi Mỹ tố Nga phát triển các loại tên lửa bị INF cấm thì Moskva chỉ ra hệ thống phòng tên lửa của Mỹ lắp đặt ở Đông Âu có thể sử dụng để phóng tên lửa hành trình tầm trung.
Quan hệ giữa Mỹ và Nga thời gian gần đây đã rạn nứt nghiêm trọng liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 cũng như việc Moskva ủng hộ chính quyền Syria và vấn đề ở Ukraine. Tuy nhiên, Washington hiện cũng tìm kiếm sự ủng hộ của Moskva trong vấn đề Syria, Iran và Triều Tiên.
Trong khi đó, Tổng thống Trump cũng ám chỉ Trung Quốc nên là một phần trong bất kỳ hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân mới nào, vì nước này đầu tư rất nhiều cho lĩnh vực tên lửa. Các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao của Mỹ chỉ ra rằng, nếu xét theo quy định trong hiệp ước INF, có đến 95% trong số khoảng 2.000 tên lửa đạn đạo và hành trình của Trung Quốc là vi phạm.
Hồng Hạnh/Báo Tin tức