“Hôm nay, hợp đồng quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại của đất nước chúng ta là thỏa thuận S-400. Mua các hệ thống S-400, Thổ Nhĩ Kỳ không chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh. Các hệ thống tên lửa chỉ dùng đảm bảo hòa bình và an ninh cho đất nước chúng ta. Chúng ta sẽ thực hiện nhiều bước khác nhau để cải thiện khả năng phòng vệ,” báo Haberleri dẫn lời Tổng thống Tayyip Erdogan.
Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa cam kết rằng việc kiểm soát S-400 sẽ hoàn toàn do Quân đội Quốc gia đảm trách.
Ông cũng phân tích rõ khó khăn về nguồn cung máy bay chiến đấu F-35 thế hệ thứ 5 của Mỹ trong bối cảnh Washington đe dọa để ngăn chặn hợp đồng S-400.
|
|
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: Haberleri |
“Thỏa thuận S-400 là một chủ đề, trong khi F-35 lại là một chủ đề khác. Cho tới hôm nay, chúng ta chi 1,4 tỷ USD cho F-35. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải rời khỏi chương trình F-35, giá của một máy bay sẽ gấp từ 7 đến 8 lần. Đây không phải là một quyết định dễ dàng. Trong trường hợp này, họ sẽ phải trả lại tổng số tiền mà chúng ta đã trả,” ông Erdogan cho biết.
Các hệ thống tên lửa S-400 do Nga sản xuất được chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ ngày 12/7. Theo Bộ quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, 3 máy bay vận tải chở xe tải chuyên dụng dùng vận chuyển hệ thống vũ khí đã đến Căn cứ Không quân Murted. Một máy bay khác đến đó vào ngày hôm sau. Có đến 7 máy bay hạ cánh hôm 14/7.
Truyền thông quốc tế đưa tin vào tháng 11/2016, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đàm phán về khả năng mua hệ thống S-400. Phía Nga xác nhận hợp đồng được ký vào 9/2017. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khi đó là ông Hulusi Akar cho biết việc triển khai S-400 sẽ bắt đầu vào 9/2019.
Theo Tổng giám đốc Rostech, một tập đoàn công nghệ cao quốc gia Nga, ông Sergei Chemezov, hợp đồng có trị giá 2,5 tỷ USD.
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia thành viên NATO đầu tiên mua hệ thống tên lửa từ Nga. Mỹ liên tục tìm cách phá vỡ hợp đồng. Washington liên tục cảnh báo Ankara nếu mua hệ thống tên lửa Nga thì sẽ không nhận được các máy bay chiến đấu F-35.
Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ nhận được 30 trong tổng số 100 máy bay F-35, loại máy bay chiến đấu tàng hình đa năng có thể mang phóng vũ khí hạt nhân. Cùng với Mỹ, có 8 quốc gia cụ thể là: Australia, Vương quốc Anh, Đan Mạch, Italy, Canada, Hà Lan, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chương trình. Ngoài ra, Israel và Nhật Bản cũng mua loại chiến đấu cơ này.
Hệ thống S-400 Triumf (NATO gọi: SA-21 Growler) là một hệ thống tên lửa tầm xa nhất thế giới bắt đầu phục vụ từ năm 2007. Nó được thiết kế để đánh phá máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình và đạn đạo, bao gồm loại tên lửa tầm trung, và các loại mục tiêu trên mặt đất.
Hệ thống có thể bắn hạ mục tiêu khí động học ở khoảng cách lên đến 400 km và mục tiêu đạn đạo chiến lục bay ở tốc độ 4,8 km/giây ở khoảng cách lên đến 60 km. Các loại mục tiêu như vậy, bao gồm tên lửa hành trình, máy bay kỹ chiến thuật và đầu đạn tên lửa đạn đạo.
Radar của hệ thống có thể phát hiện các mục tiêu trên không ở khoảng cách đến 600 km. Tên lửa đất đối không 48N6E3 có thể hạ gục mục tiêu khí động học ở độ cao từ 10-27 km và mối đe dọa đạn đạo ở độ cao 2-25 km.