Hôm 2/5, Bộ Ngoại giao Nam Sudan ra thông cáo cho biết, sau các cuộc điện đàm của Tổng thống nước này Salva Kiir Mayardit với lãnh đạo các bên xung đột ở quốc gia láng giềng Sudan, tướng Abdel Fatah Al Burhan, Chủ tịch Hội đồng cầm quyền chuyển tiếp, đồng thời là Tổng tư lệnh các Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và tướng Mohamed Hamdan Daglo, người đứng đầu Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), đã đồng ý về nguyên tắc cho một thỏa thuận ngừng bắn 7 ngày, từ 4-11/5.

leftcenterrightdel
 Người tị nạn Sudan đang tràn sang nước láng giềng Chad để lánh nạn. Nguồn: UNHCR/Aristophane Ngagoune.

Thông cáo cho biết, ông Kiir nhấn mạnh tầm quan trọng của một thỏa thuận ngừng bắn dài hơn, giữa lúc các quốc gia tiếp tục sơ tán công dân khỏi Khartoum; hàng chục ngàn người dân Sudan mắc kẹt trong các vùng chiến sự trong tình trạng thiếu thức ăn, nước uống, điều kiện y tế khó khăn.

Cũng theo thông cáo, các bên xung đột Sudan đã nhất trí cử đại diện, cùng với đại diện trung gian hòa giải Nam Sudan, tham gia các cuộc đàm phán hòa bình, sẽ được tổ chức tại một địa điểm đã thống nhất.

leftcenterrightdel
 Người tị nạn Sudan nhận viện trợ lương thực từ Chương trình Lương thực Thế giới, ngày 28/4, tại Koufroun, Chad, gần biên giới với Sudan. Ảnh: Mahamat Ramadane/Reuters.

Trước đó, SAF và RSF đã đạt được các thỏa thuận ngừng bắn 24 giờ và 72 giờ, cũng như một số lần gia hạn, tuy nhiên giao tranh vẫn nổ ra ở một số khu vực trong và ngoài thủ đô Khartoum. Hai bên cùng đổ lỗi cho nhau về việc vi phạm lệnh ngừng bắn.

Xung đột ở Sudan đang tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo với ít nhất 100.000 người đã phải trốn chạy trốn khỏi đất nước, các quan chức LHQ cho biết hôm 2/5.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Kenya William Ruto trong cuộc họp bàn với LHQ, Liên minh Châu Phi để đưa ra biện pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Sudan. Nguồn: VP Tổng thống Kenya.

Xung đột có nguy cơ phát triển thành một thảm họa khu vực khi các nước láng giềng của Sudan đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn và giao tranh cản trở việc vận chuyển hàng viện trợ ở một quốc gia vốn 2/3 dân số dựa vào sự trợ giúp từ bên ngoài.

Chưa rõ mức độ tin cậy của thỏa thuận ngừng bắn đến đâu.

leftcenterrightdel
 (Hàng trước từ trái sang) Tổng thống Kenya Ruto, Phó Tổng thư ký LHQ bà Amina, cựu Thủ tướng Sudan Hamdok, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Griffiths, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Mahamat. Nguồn: VP Tổng thống Kenya.

Trong một diễn biến liên quan, hôm 1/5, với sự có mặt của Phó Tổng thư ký LHQ bà Amina Mohamed, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat và cựu Thủ tướng Sudan Abdallah Hamdok, Tổng thống Kenya William Ruto đã chủ trì một cuộc họp trực tuyến với những người đứng đầu các cơ quan của LHQ và các đối tác khác, để đưa ra biện pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ ở Sudan.

Thông cáo cùng ngày Văn phòng Tổng thống Kenya cho biết, cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Sudan đã đạt đến mức độ thảm khốc. Các nhân vật chính ở Sudan đã từ chối lưu tâm đến lời kêu gọi ngừng bắn của Cơ quan liên chính phủ về phát triển Liên minh châu Phi và cộng đồng quốc tế, do đó cuộc họp đã quyết định cần phải tìm cách cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Sudan trong điều kiện có hoặc không có lệnh ngừng bắn.

Văn Phong/BNG Nam Sudan, Aljazeera