Ngày 13/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bổ nhiệm ông Francois Bayrou, lãnh đạo đảng Phong trào Dân chủ (Modem), người theo đường lối trung dung, làm Thủ tướng mới.
“Tổng thống đã bổ nhiệm ông Francois Bayrou làm Thủ tướng và giao cho ông nhiệm vụ thành lập chính phủ.”, Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết.
Với diễn biến mới nhất, ông Bayrou là Thủ tướng thứ 6 dưới thời ông Macron và là Thủ tướng thứ tư của nước Pháp trong năm 2024.
Ông Bayrou (SN 1951) phải đối mặt với thách thức trước mắt là thành lập một nội các có thể vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại một Quốc hội chia rẽ và thông qua ngân sách năm 2025 nhằm hạn chế tình trạng kinh tế bất ổn.
Tại buổi lễ chuyển giao quyền lực vào cuối ngày, ông Bayrou cho biết, ông ý thức rõ thách thức lớn hiện thời mà đất nước đang phải đối mặt mà ông ví như dãy Himalaya, với thâm hụt ngân sách gia tăng, hiện chiếm 6,1%GDP cùng với tình hình bất ổn chính trị.
|
|
Ông Francois Bayrou. Ảnh: LP/ Frederic Dugit. |
Một số nguồn tin tiết lộ, ban đầu, ông Macron nghiêng về khả năng bổ nhiệm đồng minh trung thành là Bộ trưởng Quốc phòng Sebastien Lecornu làm Thủ tướng, tuy nhiên, sau khi thảo luận với các đảng phái, ông đã quyết định sẽ ủng hộ ông Bayrou vì sự đoàn kết, để đảm bảo một nội các có khả năng ổn định không đối mặt với nguy cơ một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ mới, trong bối cảnh Hạ viện bị chia rẽ sâu sắc.
Ông Macron cũng kì vọng, với kinh nghiệm của một chính trị gia kì cựu, ông Bayrou có thể đưa nước Pháp thoát khỏi khủng hoảng chính trị.
Tuần trước, Quốc hội Pháp đã thông qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Pháp Barnier do đảng cánh tả Unbowed France đề xuất với kết quả 331/577 nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ.
Diễn biến khiến ông Barnier buộc phải từ chức Thủ tướng và nội các của ông bị bãi nhiệm.
|
|
Ông Bayrou là một đồng minh thân cận của Tổng thống Macron, người đã hỗ trợ ông Macron trong chiến dịch tranh cử năm 2017. Ảnh: AFP. |
Chính phủ của ông Barnier chỉ hoạt động được 90 ngày và trở thành nội các có thời gian tồn tại ngắn nhất trong lịch sử nước Pháp.
Pháp đã tổ chức bầu cử Quốc hội bất thường sau khi Tổng thống Macron hôm 9/6 giải tán Quốc hội và kêu gọi bầu cử sớm do thất bại của đảng Phục Hưng của ông trước đảng Tập hợp Quốc gia cực hữu (RN), tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.
Tuy nhiên với kết quả không có đảng nào chiếm thế đa số trong Quốc hội để đứng ra lập chính phủ, chính trường Pháp rơi vào bất ổn chưa từng có.
Sau bầu cử, Quốc hội Pháp chia rẽ với ba nhóm lớn - cánh tả, trung dung và cực hữu - với những nền tảng quan điểm, ý tưởng và chương trình nghị sự rất khác biệt, cạnh tranh nhau và hoàn toàn không có truyền thống làm việc cùng nhau.
Tân Thủ tướng Bayrou nói rằng, ông sẽ tìm cách hòa giải các phe phái chính trị, điều sẽ báo trước rằng, ông sẽ phải có những nhượng bộ trong các quyết định của mình trước các phe cánh tả và cực hữu.