Khuya ngày 1/6, giờ Washington (sáng 2/6, giờ Việt Nam) Thượng viện Mỹ đã thông qua đạo luật lưỡng đảng được Tổng thống Joe Biden ủng hộ với tỉ lệ ủng hộ áp đảo 63-36, dỡ bỏ trần nợ 31,4 nghìn tỉ đô la của chính phủ, ngăn chặn tình huống vỡ nợ lần đầu tiên.
Vài ngày trước đó, Bộ Tài chính Mỹ đã cảnh báo sẽ không thể thanh toán tất cả các chi phí từ ngày 5/6 nếu Quốc hội không hành động trước thời điểm đó.
Tổng thống đảng Dân chủ Biden ca ngợi hành động kịp thời của Thượng viện. “Thỏa thuận lưỡng đảng này là một chiến thắng lớn cho nền kinh tế của chúng ta và người dân Mỹ.”, ông Biden bày tỏ, cho biết sẽ nhanh chóng ký thành luật để công bố với quốc dân ngay sớm hôm sau.
|
|
Thượng viện Mỹ thông qua dự luật với tỉ lệ ủng hộ áp đảo 63-36. Ảnh: @cspan. |
Trước cuộc bỏ phiếu, thành viên đảng Dân chủ, lãnh đạo đa số tại Thượng viện Chuck Schumer, cảnh báo một vụ vỡ nợ “gần như chắc chắn sẽ gây ra một cuộc suy thoái khác. Đó sẽ là cơn ác mộng đối với nền kinh tế của chúng ta và hàng triệu gia đình Mỹ và sẽ cần nhiều năm để phục hồi”.
Khi đó ông Schumer lưu ý, thời gian với Thượng viện đang là thứ xa xỉ, tuyên bố, bất kỳ sự chậm trễ không cần thiết hoặc sự trì hoãn nào vào phút chót sẽ là một rủi ro không đáng có, thậm chí nguy hiểm cho nước Mỹ.
Với việc thông qua dự luật, giới hạn theo luật định đối với khoản vay của liên bang sẽ bị đình chỉ cho đến ngày 1/1/2025. Không giống như hầu hết các quốc gia phát triển khác, Mỹ giới hạn số nợ mà chính phủ có thể vay, bất kể khoản chi tiêu được cơ quan lập pháp phân bổ.
Lãnh đạo đa số tại Thượng viện Chuck Schumer và lãnh đạo phe thiểu số Mitch McConnell đã thực hiện cam kết sẽ nỗ lực hết mức có thể để đẩy nhanh tiến độ thông qua dự luật.
|
|
Lãnh đạo đa số tại Thượng viện Chuck Schumer và Tổng thống Mỹ Biden hoan hỷ sau khi Thượng viện thông qua dự luật. Ảnh: Drew Angerer/ Getty. |
“Nước Mỹ đã có thể thở phào nhẹ nhõm,”, Thượng nghị sĩ Schumer nói trong bài phát biểu trước Thượng viện.
Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đã đạt được thỏa thuận cắt giảm chi tiêu sâu rộng của Chính phủ, tuy vậy đều thống nhất không đụng chạm các chương trình chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội.
Trong khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy từ chối xem xét giảm chi tiêu quân sự hoặc quân nhân hưu trí, vốn là áp lực từ một số thành viên theo đường lối cứng rắn cánh hữu trong đảng, trong bối cảnh lưỡng đảng đều ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến đang diễn ra.
Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua dự luật vào tối muộn 31/5 với tỷ lệ phiếu thuận 314/117.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính dự luật sẽ tiết kiệm được 1,5 nghìn tỉ đô la trong 10 năm, khá thấp so với kỳ vọng 4,8 nghìn tỉ USD đưa ra ban đầu của đảng Cộng hòa.
Lần cuối cùng Mỹ tiến gần đến tình trạng vỡ nợ như vậy là vào năm 2011. Sự bế tắc thời điểm đó đã tác động đến thị trường tài chính, dẫn đến việc hạ xếp hạng tín dụng của chính phủ lần đầu tiên và đẩy chi phí đi vay của quốc gia tăng cao.