Theo RT, Cao nguyên Golan, vùng đất rộng lớn nằm giữa giữa Syria, Israel, Liban và Jordan, được công nhận là lãnh thổ Syria từ xa xưa. Nhờ địa thế cao nhưng tương đối bằng phẳng và nằm giữa nhiều quốc gia, nên bất cứ nước nào kiểm soát Cao nguyên Golan cũng có thể triển khai vũ khí để xới tung mọi ngóc ngách ở Syria hay Israel.

leftcenterrightdel
Cao nguyên Golan. 

Thêm vào đó, vùng đất này cũng nổi tiếng với trữ lượng tài nguyên thiên nhiên lớn, trong đó đáng giá nhất là nguồn nước ngọt. Các nguồn tin Trung Đông nói rằng Israel khai thác tới 1/3 lượng nước nuôi sống 9 triệu dân và phục vụ nền nông nghiệp trị giá hơn 10 tỷ USD nhờ nước từ Cao nguyên Golan. Ngoài ra, vùng đất này cũng có thể chứa hàng tỷ mét khối dầu mỏ và khí đốt bên dưới nó.

Bởi vậy, nếu như thành phố tranh chấp Jerusalem được coi là vùng đất thiêng liêng nhất về lịch sử đối với cả đạo Hồi, đạo Thiên chúa và người Do Thái, thì Cao nguyên Golan lại được xem là khu vực chiến lược nhất ở Trung Đông về địa lý và quân sự. Trong các cuộc xung đột trải dài thế kỷ 20, Cao nguyên Golan luôn là tâm điểm trong xung đột giữa Syria và Israel.

Sau khi người Anh và người Pháp lần lượt rút khỏi lãnh thổ Syria ở giai đoạn cuối Thế chiến thứ II, Cao nguyên Golan được công nhận là phần lãnh thổ không thể tách rời khỏi sự kiểm soát của chính quyền ở Damascus. Trong chiến tranh Israel- Arab năm 1948, Syria từng dùng Cao nguyên Golan triển khai pháo và "san phẳng" nhiều khu vực ở Bắc Israel.

Đến năm 1967, trong cuộc "Chiến tranh sáu ngày" giữa Israel và các quốc gia Arab ở Trung Đông, Tel Aviv đã dùng vũ lực chiếm được vùng đất chiến lược này từ tay Syria cùng Dải Gaza và Bán đảo Sinai từ Ai Cập, Bờ Tây sông Jordan và Đông Jerusalem.

leftcenterrightdel
 Tầm nhìn bao quát từ Cao nguyên Golan.

Giữa căng thẳng lúc đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) đã họp khẩn và ra Nghị quyết số 242 kêu gọi Israel lập tức trao trả các vùng lãnh thổ chiếm đóng để đổi lại sự công nhận đầy đủ đối với Nhà nước Do Thái của các nước Arab và theo đó từng bước kiến tạo hoà bình thực sự ở Trung Đông.

Tuy nhiên, nhiều tháng sau, hai bên xung đột vẫn bất đồng về việc bên nào hành động trước theo Nghị quyết 242. Các nước Arab tuyên bố họ không đời nào đàm phán trước khi Israel rút quân khỏi vùng chiếm đóng, còn Israel khẳng định họ sẽ không lùi quân khi chưa có một thoả thuận hoà bình cùng sự công nhận đầy đủ. Kết quả là Israel vẫn tiếp tục kiểm soát 5 vùng lãnh thổ chiếm được và xây dựng các khu định cư trên đó.

Chưa nguôi mối thù cũ, năm 1973, Ai Cập và Syria quyết tâm tấn công Israel một lần nữa để giành lại các vùng đất bị mất từ cuộc chiến năm 1967 trong chiến tranh có tên Yom Kippur. Tuy nhiên, một lần nữa liên minh Arab không đạt được mục đích của mình.

Kết thúc xung đột, Tel Aviv tiếp tục kiểm soát Cao nguyên Golan nhưng trả bớt một phần cho Damascus. Đồng thời, theo thỏa thuận đạt được năm 1974, một vùng phi quân sự tại Cao nguyên Golan được lập ra dưới sự giám sát và duy trì hoà bình của các binh sĩ gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc (LHQ).

Đến năm 1981, Israel bất ngờ ra quyết định sáp nhập toàn bộ các khu vực chiếm đóng vào lãnh thổ, trong động thái không được Hội đồng Bảo an LHQ, với Mỹ là một thành viên, công nhận. LHQ khi đó thậm chí khẳng định sự chiếm đóng của Israel trên Cao nguyên Golan là "hoàn toàn vô nghĩa".

Nhiều thập kỉ qua, Syria không ít lần tìm kiếm khả năng Israel trao trả vùng đất này bằng biện pháp ngoại giao, bao gồm cả cuộc đàm phán bí mật vào năm 2010 dưới sự bảo trợ của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tuy nhiên, khi sắp tìm được giải pháp hợp lý, cuộc nội chiến Syria bùng phát năm 2011 khiến mọi nỗ lực trước đó tan thành mây khói.

Với việc Tổng thống Donald Trump hôm 25-3 công nhận Cao nguyên Golan thuộc sở hữu của Israel cho thấy khả năng đòi lại vùng lãnh thổ này của Syria trở nên xa vời hơn bao giờ hết.

Thái An