Nga đình chỉ Hiệp ước START-3
Nga đình chỉ việc tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START 3), Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố trong Thông điệp liên bang.
“Tôi nhắc lại, không phải rút khỏi Hiệp ước, mà là đình chỉ việc tham gia. Nhưng trước khi quay lại thảo luận, chúng ta phải hiểu được những quốc gia như Pháp và Anh muốn điều gì, và chúng ta sẽ tính đến kho vũ khí chiến lược của các nước này thế nào, nghĩa là tiềm năng tấn công tổng thể của liên minh này ra sao.”, ông Putin nói.
|
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin trình bày Thông điệp liên bang thường niên trước Quốc hội ngày 21/2. Ảnh: Sputnik |
Hiệp ước START-3 giữa Nga và Mỹ có hiệu lực vào ngày 5/2/2011, quy định mỗi bên sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân của mình để trong 7 năm và trong tương lai, tổng số vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng được triển khai và không được triển khai.
START-3 là Hiệp ước hạn chế vũ khí duy nhất hiện có giữa Nga và Mỹ, đã hết hạn vào ngày 5/2/2021.
Ngày 27/1/2021, Tổng thống Nga Putin đã ký thỏa thuận gia hạn Hiệp ước START-3 trong 5 năm, đến ngày 5/2/2026.
Sẵn sàng cho các vụ thử hạt nhân
Bộ Quốc phòng và Rosatom nên sẵn sàng thử vũ khí hạt nhân nếu Mỹ làm điều này trước, Tổng thống Nga Putin tuyên bố.
Theo tuyên bố, đã có những thông tin Mỹ đang xem xét khả năng thử vũ khí hạt nhân, bởi vậy, Bộ Quốc phòng Nga và Rosatom nên phải sẵn sàng thử vũ khí hạt nhân nếu Mỹ làm điều đó trước.
“Chúng ta biết chắc chắn một số nhân vật ở Washington đang cân nhắc về khả năng thử nghiệm vũ khí hạt nhân của mình, bao gồm cả việc tính đến thực tế là Mỹ đang phát triển các loại vũ khí hạt nhân mới. Đã có thông tin như vậy.”, ông Putin nói, lưu ý Moscow phải đảm bảo sẵn sàng cho việc thử nghiệm vũ khí hạt nhân của mình, tất nhiên sẽ không làm điều này trước.
|
|
Tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M của Nga. Ảnh: Sputnik / Sergey Guneev. |
Ông Putin cho biết mức độ trang bị của lực lượng răn đe hạt nhân ở Nga là 91,3%, cần phải đạt đến mức này trong tất cả các lĩnh vực của Lực lượng vũ trang.
“Ví dụ, hiện nay mức độ trang bị các hệ thống mới nhất cho lực lượng răn đe hạt nhân của Nga là hơn 91% - 91,3%. Và bây giờ, theo kinh nghiệm chúng ta đã có được, chúng ta phải đạt được mức độ cao và chất lượng cao như vậy trong tất cả các thành phần của Lực lượng Vũ trang.”, ông Putin nói.
Liên quan đến chủ đề này, ông Putin cho biết, một tuần trước, ông đã ký sắc lệnh về việc đưa các tổ hợp chiến lược trên mặt đất mới vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại với các nước Đông Nam Á
Nga sẽ mở rộng các mối quan hệ kinh tế đối ngoại đầy triển vọng, cũng như xây dựng các hành lang logistic mới, điều này sẽ góp phần tăng cường đáng kể các mối quan hệ kinh tế với các thị trường Đông Nam Á, Tổng thống Nga Putin tuyên bố.
“Công việc liên doanh hợp tác của nhà nước, khu vực, doanh nghiệp trong nước nên tập trung vào những lĩnh vực nào? Đầu tiên, chúng ta sẽ mở rộng các mối quan hệ kinh tế đối ngoại đầy triển vọng và xây dựng các hành lang logistic mới,.. điều đó sẽ góp phần mở rộng đáng kể các mối quan hệ kinh tế của chúng ta với các thị trường Đông Nam Á.", người đứng đầu Điện Kremlin nhấn mạnh.
|
|
Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ mở rộng quan hệ kinh tế với các nước Đông Nam Á. Ảnh: Ramil Sitdikov/Sputnik. |
Theo ông Putin, các thị trường toàn cầu đầy hứa hẹn mới, bao gồm khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đang được quan tâm hàng đầu.
“Chúng ta đã thực sự bước vào một chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới. Theo các chuyên gia, mô hình và cấu trúc của chu kỳ kinh tế này đang có một đặc điểm khác về chất. Các thị trường toàn cầu và đầy tiềm năng mới, bao gồm khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thị trường nội địa của chúng ta, đang trở nên được quan tâm hàng đầu . Cơ sở khoa học, cơ sở công nghệ và con người chúng ta có. Không phải là bán nguyên liệu thô ra nước ngoài mà sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao. Điều này cho phép chúng ta khai thác tiềm năng to lớn của Nga trong mọi lĩnh vực.”, Tổng thống Nga nói.
Phương Tây trừng phạt Nga là trừng phạt chính mình
Theo nhà lãnh đạo Nga, những người khởi xướng lệnh trừng phạt chống Liên bang Nga đang tự trừng phạt chính mình.
|
|
Người dân Nga theo dõi Thông điệp liên bang của ông Putin. Ảnh: Sergey Averin/Sputnik. |
“Phương Tây đã triển khai không chỉ mặt trận quân sự, mặt trận thông tin mà còn cả mặt trận kinh tế chống lại chúng ta. Nhưng họ đã không đạt được bất cứ điều gì và sẽ không đạt được gì cả. Hơn nữa, những người khởi xướng các biện pháp trừng phạt đang trừng phạt chính mình. Họ kích động tăng giá, làm mất công ăn việc làm, làm các doanh nghiệp phải đóng cửa, gây khủng hoảng năng lượng ở chính đất nước của họ. Rồi họ nói với công dân của họ rằng mọi thứ là do lỗi người Nga.”, ông Putin phân tích.
Hậu quả của việc “bơm” vũ khí tầm xa cho Ukraine
Ông Putin cho rằng, càng nhiều vũ khí tầm xa được chuyển đến Ukraine, sẽ càng đẩy xa mối đe dọa ra khỏi biên giới Nga.
“Mọi người nên hiểu rõ tình huống này: càng nhiều hệ thống tầm xa của phương Tây đến Ukraine, chúng ta càng buộc phải dịch chuyển mối đe dọa ra xa khỏi biên giới của mình. Điều này là tự nhiên.”, ông Putin nói; lưu ý phương Tây sử dụng Ukraine như một công cụ chống lại Nga và trở thành bãi thao trường.
“Bây giờ tôi sẽ không nói chi tiết về những nỗ lực của phương Tây nhằm xoay chuyển tình thế chiến sự, về kế hoạch tăng cường nguồn cung cấp quân sự của họ. Mọi người đều đã biết rõ điều này.”, Tổng thống Nga nói; nhấn mạnh các nước phương Tây đã chi hơn 150 tỉ USD để hỗ trợ và trang bị vũ khí cho Kyiv và dòng tiền viện trợ này không hề giảm.