1 - Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Vấn đề quốc tế đáng chú ý và có mức độ ảnh hưởng lớn nhất trong năm 2018 không ngoài cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, mở rộng hơn là cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường kinh tế của thế giới.

leftcenterrightdel
 

"Cuộc chiến không tiếng súng" này khởi động từ tháng 7, sau khi Mỹ áp gói thuế đầu tiên lên 50 tỷ USD hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, kéo theo hành động đáp trả theo kiểu "ăn miếng, trả miếng" từ Bắc Kinh. Tính đến nay, Mỹ đã áp mức thuế 25% lên 250 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh đã áp thuế lên 110 tỷ USD hàng hoá từ Mỹ.

Giới quan sát cho rằng cuộc chiến thương mại là một phần trong chiến lược tổng thể của Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong đó, Washington bày tỏ lo ngại với các hoạt động ăn cắp công nghệ, các hành vi quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông, cũng như việc Trung Quốc đang nỗ lực giành ảnh hưởng với Mỹ tại các nước dọc theo sáng kiến Vành đai và Con đường hay ở Trung Mỹ.

Trong nửa năm qua, các hành động đối đầu thương mại của Mỹ và Trung Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu, với thiệt hại ước tính cho riêng Bắc Kinh là khoảng 20 tỷ USD. Nếu cuộc chiến thương mại tiếp tục bùng nổ trong năm 2019, con số thiệt hại có thể tăng theo cấp số nhân.

Đầu tháng 12, Mỹ và Trung Quốc bất ngờ tạm hoãn các các động thái áp thuế quan lên hàng hoá của nhau để đàm phán. Song, trong lúc Tổng thống Mỹ Trump đang trò chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở G20, thì Canada lại bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Phó Chủ tịch tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei của Trung Quốc theo yêu cầu của quan chức Mỹ, kéo theo lo ngại các cuộc đàm phán sẽ không thể đi đến đích.

2 - Thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, năm 2017 chứng kiến sự leo thang chóng mặt của căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên, thậm chí khiến nhiều người nghĩ tới nguy cơ của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, bước sang năm 2018, không khí này đã tan biến với các động thái thiện chí của cả hai bên.

leftcenterrightdel
 

Ngày 12-6 vừa rồi, trước sự hồi hộp và chờ đợi của cả thế giới, trong một khoảnh khắc lịch sử, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt tay tươi cười cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore rồi tiến hành họp thượng đỉnh. Kết thúc cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo thông qua một tuyên bố chung, thống nhất cùng vượt qua các rào cản để phi hạt nhân hoá hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. 

Dù đến nay, quá trình này vẫn còn nhiều điều phải tiếp tục làm, song cuộc gặp ở Singapore vẫn được cho là đã đánh dấu "sự thay đổi cơ bản" trong quan hệ Mỹ-Triều và giúp đặt nền móng cho hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên, cũng như khu vực.

Song song với việc quan hệ Mỹ-Triều được cải thiện, quan hệ hai miền Triều Tiên chứng kiến bước ngoặt lịch sử khi lãnh đạo hai miền đã có 3 cuộc gặp thượng đỉnh chỉ trong vòng 5 tháng ngắn ngủi. Các cuộc gặp này được đánh giá là có vai trò lớn trong "phá băng" quan hệ giữa các bên, tạo không khí thiện chí cho tiến trình phi hạt nhân.

3 - Syria đứng trước ngưỡng cửa lịch sử

Sau hơn 7 năm giao tranh ác liệt, Syria kết thúc năm 2018 trước ngưỡng cửa lịch sử với việc một Uỷ ban Hiến pháp Syria sắp được thành lập, theo đó mở cơ hội cho cuộc bầu cử công bằng và kết thúc thời kì loạn lạc tại quốc gia Trung Đông.

Theo thông báo của Ngoại trưởng Nga Lavrov hôm 18-12, Uỷ ban Hiến pháp mới của Syria sẽ hoạt động ngay đầu năm 2019. Thành phần của uỷ ban sẽ được thông qua bởi Liên hợp quốc. Nỗ lực khai sinh uỷ ban này được Nga tiến hành không mệt mỏi, với sự tham gia trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Liên hợp quốc.

leftcenterrightdel
 

Song song với tiến trình chính trị, Syria trong năm 2018 tiếp tục giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ chiến lược từ tay khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cũng như phiến quân. 

Trong một động thái liên quan trực tiếp, Mỹ vào những ngày cuối năm thông báo sẽ sớm rút toàn bộ quân đội khỏi Syria. Washington cũng thông báo không còn tìm cách lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, theo đó đơn giản hoá những yêu sách chồng chéo ở Syria.

4 - Bùng nổ trở lại căng thẳng Nga-Ukraine

Căng thẳng âm ỉ từ năm 2014 giữa Nga và Ukraine bùng phát trở lại hôm 25-11, khi cảnh sát biển Nga nổ súng và bắt giữ 3 tàu chiến Ukraine với cáo buộc những tàu này xâm nhập vào lãnh hải Nga gần eo biển Kerch. Ukraine bác cáo buộc, khẳng định hải quân của họ chỉ đang thực hiện quyền tự do hàng hải.

Ngay lập tức, các nước phương Tây đã thể hiện ủng hộ Ukraine, đòi Nga thả người. Tuy nhiên, yêu cầu trên bị Nga khước từ. Moscow tuyên bố sẽ xét xử các thủy thủ Ukraine bị bắt và sẽ không đàm phán gì với Ukraine. 

leftcenterrightdel
 

Điện Kremlin cho rằng Tổng thống Ukraine đang có các hành động "khiêu khích nguy hiểm" nhằm tăng tỷ lệ ủng hộ trong cuộc bầu cử sắp tới. Vụ việc theo đó đã kéo theo những tranh cãi gay gắt, khiến những nỗ lực hàn gắn quan hệ của Nga với phương Tây của Điện Kremlin ít nhiều bị ảnh hưởng.

Hệ luỵ lớn đầu tiên của sự cố này là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định hủy cuộc gặp theo kế hoạch với người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị G20 ở Argentina. Cuộc gặp này từng được mong chờ bởi nó là dịp quan trọng để Moscow và Washington thảo luận về quyết định rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm Trung (INF).

5 - Giải cứu đội bóng nhí Thái Lan

Các em nhỏ đội bóng nhí Thái Lan và huấn luyện viên 25 tuổi đã mất tích ngày 23-6 sau khi đi khám phá khu phức hợp hang động Tham Luang trong khuôn viên một khu bảo tồn địa phương gần biên giới với Myanmar. 

leftcenterrightdel
 

Sau 9 ngày tìm kiếm, Thái Lan phát hiện ra các em còn sống, song vấn đề đặt ra là chặng đường đưa các em ra ngoài ất khó khăn. Ngay lập tức, một nỗ lực cứu hộ chưa từng có trong lịch sử với sự tham gia của 1.000 chuyên gia, thợ lặn, đặc nhiệm và binh sĩ tinh nhuệ nhất từ 8 quốc gia, đã được tiến hành. Hàng ngàn người đã tập triung ngoài hang Tham Luang, cùng nhau lên kế hoạch, thảo luận các phương án để giải cứu đội bóng nhí.
Các nhân viên cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn để tiếp cận vị trí đội bóng bị mắc kẹt khi phải vượt qua lớp bùn dày và những đoạn hang ngập nước trong khu phức hợp trải dài tới 10 km sâu trong lòng núi. Điều kiện khắc nghiệt đã một thợ lặn thiệt mạng khi tham gia chiến dịch giải cứu, nhưng không làm chùn bước những người còn lại.

Ngày 10-7, toàn bộ đội bóng cùng huấn luyện viên đã được đưa ra ngoài an toàn, kết thúc chiến dịch cứu nạn quy mô lớn nhất lịch sử. Nhiều người đánh giá cuộc giải cứu đội bóng nhí là câu chuyện nhân văn về tình người, về sự hy sinh khi người ta không còn phân biệt về sắc tộc, giới tính, quốc tịch mà chỉ tập trung hết sức để giải cứu những cậu bé gặp nạn.

6 - Thảm họa kép tàn phá Indonesia

Đảo Sulewasi của Indonesia hôm 28-9 hứng chịu thảm họa kép tồi tệ khi trận động đất mạnh 7,5 độ kích hoạt sóng thần cao 6m ập vào bờ biển, phá huỷ toàn bộ "dấu hiệu của loài người" ở thành phố Palu và thị trấn Donggala cạnh đó.

leftcenterrightdel
 

Theo ước tính của giới chức địa phương, thảm họa khiến 2.200 người chết, hàng ngàn người khác còn mất tích, hàng trăm ngàn người bị ảnh hưởng, hàng nghìn công trình xây dựng bị đổ sập, trở thành một trong những thảm hoạ thiên nhiên tồi tệ nhất lịch sử nhân loại.

Sau thảm kịch, tất cả những gì người ta nhìn thấy tại hại khu vực, vốn từng là nơi sinh sống của gần 400.000 người này chỉ còn là đổ nát và hoang tàn. Các chuyên gia cho biết khu vực này nằm trên "Vành đai lửa Thái Bình Dương" cùng địa hình vịnh dài và hẹp khiến thảm kịch thêm tồi tệ. Trong khoảnh khắc thiên tai ập đến, mặt đất ở Palu thậm chí đã "hoá lỏng" cuốn phăng, nhấn chìm mọi thứ trong cơn cuồng nộ của đất đá. 

Giới chức Indonesia ước tính họ cần hơn 600 triệu USD để tái thiết và tái định cư trên đảo Sulewasi.

7 - Châu Âu: Anh rối, Pháp loạn, Đức mông lung

2018 có lẽ không phải là năm của châu Âu, bởi những gì người ta cảm nhận được về Lục địa Già, khu vực từng được coi là bình ổn và phát triển bậc nhất thế giới, là sự rối loạn trong mọi vấn đề ở cả quy mô khu vực lẫn quốc gia.  

Ở cấp độ Liên minh châu Âu (EU), khối này trong năm 2018 đã không thống nhất được quan điểm trong nhiều vấn đề, trừ trừng phạt Nga. Việc ứng xử thế nào với một Thoả thuận hạt nhân Iran bị đổ vỡ, hay giải quyết vấn nạn di cư đã khiến châu Âu chia rẽ nghiêm trọng.

leftcenterrightdel
 

Với vấn đề Brexit, Anh và các nước châu Âu tháng 11 thông qua loạt điều khoản để tránh những hệ luỵ của việc London rời EU. Tuy nhiên, trong bối cảnh nội bộ nước Anh bị chia rẽ sâu sắc, việc thuyết phục Hạ viện phê chuẩn dự thảo này đang tỏ ra là “nhiệm vụ bất khả thi” dành cho Thủ tướng Theresa May. 

Cùng lúc này, ở Đức, đầu tàu về kinh tế của châu Âu, lại đang diễn ra một cuộc chuyển giao quyền lực trong nội bộ đảng cầm quyền: Nữ Thủ tướng Angela Merkel không còn được người dân ủng hộ như trước nữa, bà buộc phải từ chức Chủ tịch đảng cầm quyền CDU, nghĩa là sẽ chỉ giữ chức Thủ tướng đến năm 2021. Người kế nhiệm bà CDU có tên Annegret Kramp-Karrenbauer, được đánh giá là có tư tưởng rất cứng rắn.

Trong khi đó, tại Pháp, phong trào biểu tình phản đối thuế xăng dầu ở Paris đã leo thang thành bạo lực sau nhiều tuần, khiến cho giao thông tê liệt, buộc cảnh sát phải sử dụng vòi rồng và lựu đạn cay để giải tán đám đông. Quan trọng hơn, nó đang dần chuyển thành một chiến dịch phản đối toàn diện nhằm vào Tổng thống Emmanuel Macron. Ông Macron hiện đang có tỉ lệ ủng hộ 25%, thấp nhất lịch sử Pháp. 

8 - Nhà báo Khashoggi bị sát hại

Nhà báo Jamal Khashoggi, 60 tuổi, người có quan điểm cứng rắn về chính quyền Saudi Arabia, mất tích bí ẩn sau khi đi vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul ngày 2-10, kéo theo cuộc điều tra của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cho biết vụ việc có dính líu trực tiếp tới hoàng gia Saudi.

Dưới áp lực của cộng đồng quốc tế, Saudi Arabia từ thái độ chối bỏ hoàn toàn trách nhiệm, đã thừa nhận ông Khashoggi bị sát hại dã man trong một âm mưu được lên kế hoạch. Riyadh cuối cùng tuyên bố truy tố 11 người, trong đó 5 nghi phạm có thể lĩnh án tử hình.

leftcenterrightdel
 

Vụ sát hại Khashoggi làm dấy lên làn sóng phẫn nộ toàn cầu do nhóm sát thủ bị cáo buộc có những hành động "man rợ" như phân xác và tiêu huỷ nạn nhân bằng axit. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump lại có cách tiếp cận mềm mỏng về vụ việc, với lí do Saudi Arabia là đồng minh quan trọng nhất khu vực, lại có các giao dịch tỷ USD với Washington.

Giới quan sát cho rằng, sự kiện đã bị Thổ Nhĩ Kỳ lợi dụng để gây áp lực lên Mỹ, theo đó hối thúc Washington có những động thái mềm mỏng chiều lòng Ankara, qua đó giảm nhẹ áp lực lên Saudi Arabia, gồm việc chấp nhận bàn luận về khả năng dẫn độ nhân vật đối lập của Ankara là giáo sĩ Fethullah Gulen; hay giảm hỗ trợ các nhóm phiến quân người Kurd ở Syria.

Trong khi đó, Tổng thống Putin đã so sánh vụ sát hại ông Khashoggi với vụ ám sát hụt của cựu điệp viên hai mang gốc Nga Sergei Skripal để khẳng định "tiêu chuẩn kép" của Mỹ trong áp đặt trừng phạt. 

"Ông Khashoggi bị ám sát, Skripal cũng bị, nhưng nhờ có Chúa, ông ấy không sao", ông Putin nói, cho biết phương Tây lập tức trừng phạt Nga vì vụ Skripal dù chưa có bất cứ bằng chứng nào, trong khi chưa áp đặt biện pháp cụ thể nào liên quan đến vụ Khashoggi.

9 - Qatar rời khỏi OPEC

Qatar ngày 3-12 tuyên bố quốc gia vùng Vịnh này sẽ rút khỏi Tổ chức Các nước sản xuất dầu mỏ (OPEC) vào tháng 1-2019 để tập trung vào sản xuất khí đốt. 

Qatar, một thành viên của OPEC trong suốt 57 năm qua, đã đưa ra quyết định trên trong bối cảnh giá dầu mỏ trên thị trường thế giới trong những ngày qua đã giảm xuống dưới 50 USD/thùng, mức thấp nhất trong gần 14 tháng qua. 

leftcenterrightdel
 

Doha nhấn mạnh quyết định này hoàn toàn không dính dáng đến chính trị. Tuy nhiên, theo Iran, động thái "cực chẳng đã" của Qatar chính là phản ứng trước vai trò chi phối của Nga và Arab Saudi trong các thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác nhằm "kiểm soát" giá dầu.

Nga và Arab Saudi đã nhận được đề nghị từ Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc gia tăng sản lượng dầu thô khai thác và xuất khẩu, nhằm bù đắp vào phần thiếu hụt từ Iran, sau khi Washington tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran để ép nước này ngừng hẳn việc khai thác dầu mỏ. Động thái đi cùng với việc Mỹ rút khỏi thoả thuận hạt nhân năm 2015.

Iran lập luận rằng việc gia tăng sản lượng của Arab Saudi và Nga theo đó đã làm giá dầu giảm và vì thế không mang lại lợi ích cho bất cứ ai ngoài ông Trump, và lại còn gây thiệt hại nặng nề cho các thành viên OPEC, khiến khối này chao đảo.

10 - Hàng triệu người Venezuela bỏ nhà cửa vì khủng hoảng

Từng là cường quốc giàu nhất khu vực Mỹ Latin với dự trữ dầu thô lớn nhất thế giới, Venezuela giờ quay cuồng trong lạm phát phi mã và thiếu thốn. Cuộc khủng hoảng nổ ra năm 2014 với việc giá dầu giảm đến năm 2018 đã khiến nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ kiệt quệ. 

Theo khảo sát thường niên về hoạt động cứu trợ nhân đạo khắp thế giới của Liên hợp quốc trong năm 2018, Venezuela đã lần đầu lọt vào danh sách các nước buộc phải nhận hỗ trợ từ quốc tế.

leftcenterrightdel
 

Liên hợp quốc ước tính 3,3 triệu người Venezuela đã phải rời bỏ đất nước để tránh mâu thuẫn chính trị và khủng hoảng kinh tế, trong khi hai triệu người có thể ra đi trong năm 2019. Những người này cũng chính là thành phần chính trong đoàn hàng ngàn người từ Mỹ Latinh đi bộ xuyên Mexico đến biên giới Mỹ, gây ra căng thẳng ở khu vực này.

Liên hợp quốc đã kêu gọi đóng góp khoản tiền 738 triệu USD để giúp các quốc gia láng giềng như Colombia và Peru ứng phó với "cơn địa chấn nhân đạo" của Venezuela. 

Thái An (Tổng hợp)