Người đoạt giải Nobel Hòa bình Yunus sẽ lãnh đạo Chính phủ lâm thời Bangladesh

Trong một thông báo vào sớm ngày 7/8, thư kí báo chí của Tổng thống Bangladesh, Joynal Abedin, cho biết, người đoạt giải Nobel hòa bình Muhammad Yunus sẽ đứng đầu Chính phủ lâm thời của đất nước.

Ông Abedin cũng cho biết, các thành viên khác trong Chính phủ do Yunus lãnh đạo sẽ sớm được quyết định, sau khi việc thương thảo với các đảng phái chính trị và các bên liên quan khác hoàn tất.

Các nhà lãnh đạo cuộc biểu tình sinh viên, các chỉ huy quân đội, cùng đại diện một số tổ chức dân sự xã hội.. đã có cuộc thương thảo với Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin kéo dài hơn 5 giờ đến khuya ngày 6/8, để quyết định người đứng đầu Chính phủ lâm thời.

leftcenterrightdel
 Người sáng lập hệ thống tín dụng vi mô cho người nghèo và là người đoạt giải Nobel của Bangladesh Muhammad Yunus. Ảnh: Christian Liewig/Corbis / Getty.
leftcenterrightdel
 Một trung tâm mua sắm ở thủ đô Dhaka bị người biểu tình đốt phá, ngày 4/8. Ảnh: Rajib Dhar/AP.

Sau quyết định, các nhà lãnh đạo sinh viên đã rời khỏi dinh thự Tổng thống vào rạng sáng 7/8, tỏ ra hài lòng và hoan nghênh quyết định này.

Nahid Islam, lãnh đạo chủ chốt của nhóm sinh viên, gọi các cuộc đàm phán là “có kết quả”, đồng thời cho biết Tổng thống Shahabuddin đã đồng ý quan điểm rằng, bộ máy của Chính phủ lâm thời sẽ được hình thành sớm nhất có thể.

Tổng thống Shahabuddin cũng đã sa thải Cảnh sát trưởng quốc gia và chỉ định người thay thế, sau các cuộc biểu tình đẫm máu rầm rộ khắp đất nước dẫn đến việc Thủ tướng Hasina phải từ chức.

Trong khi phía quân đội dường như cũng có sự cải tổ nhân sự với ít nhất 5 vị tướng bị sa thải.

Trước đó vào ngày 6/8, Tổng thống Shahabuddin đã giải tán Quốc hội, đáp ứng “tối hậu thư” quan trọng của các lãnh đạo sinh viên biểu tình, cùng với yêu cầu công bố việc thành lập Chính phủ lâm thời trong ngày, với đe dọa sẽ trở lại đường phố; quyết định mở đường cho việc thành lập nội các tạm thời và sau đó là bầu cử quốc gia.

leftcenterrightdel
 Cựu Thủ tướng Sheikh Hasina, người nắm quyền lâu năm ở Bangladesh. Ảnh: Monirul Alam/EPA-EFE.
leftcenterrightdel
 Bức tượng ông Sheikh Mujibur Rahman, Tổng thống đầu tiên của Bangladesh và là cha của cựu Thủ tướng Sheikh Hasina, tại Dhaka, Bangladesh, bị người biểu tình đập phá, ngày 6/8. Ảnh: Mohammad Ponir Hossain/Reuters.

Cũng trong ngày 6/8, một tuyên bố từ văn phòng của Tổng thống Shahabuddin cho biết, Chủ tịch Đảng Dân tộc Bangladesh (BNP) Begum Khaleda Zia, đối thủ chính của bà Hasina, đã được trả tự do khỏi lệnh quản thúc tại gia.

Bà Zia từng 2 lần giữ chức Thủ tướng (1991- 1996 và 2001-2006), người đã lãnh đạo Đảng BNP vào năm 1981 sau khi chồng bà, khi đó là Tổng thống Ziaur Rahman, bị ám sát trong một cuộc đảo chính quân sự.

Bà Zia bị chính phủ lâm thời do quân đội thành lập năm 2007 buộc tội tham nhũng. Bà bị kết án vào năm 2018 và bị tuyên án 17 năm tù vì tội tham nhũng.

Ông Muhammad Yunus là ai?

Ông Yunus (SN 1940) là nhà kinh tế học, người đạt học vị Tiến sĩ ngành Kinh tế học tại trường Đại học Vanderbilt, Mỹ.

Ông và Ngân hàng Grameen- tổ chức tài chính và tín dụng vi mô của ông (có sứ mệnh tương đồng với Ngân hàng Chính sách xã hội của Việt Nam), đã giành giải Nobel Hòa bình năm 2006, cho nỗ lực đưa hàng triệu người nghèo ở vùng nông thôn Bangladesh thoát khỏi đói nghèo, bằng cách cấp cho họ những khoản vay nhỏ dưới 100 đô la một cách thuận lợi.

Ông Yunus cũng là người tiên phong trong mô hình kinh doanh xã hội toàn cầu và rất được kính trọng ở trong nước cũng như trên toàn thế giới.

Ông Yunus từng là mục tiêu chỉ trích gay gắt và bị coi như một đối thủ chính trị của Thủ tướng vừa bị lật đổ Sheikh Hasina.

leftcenterrightdel
 Ông Muhammad Yunus nhận giải Nobel năm 2006 vì chương trình tiên phong trong hoạt động cho vay món nhỏ đối với người dân nghèo. Ảnh: Jason DeCrow/AP.
leftcenterrightdel
 Cựu Thủ tướng Khaleda Zia vào năm 2014, người vừa được trả tự do khi đang thụ án tù. Ảnh: Andrew Biraj/Reuters.

Sự nổi tiếng của Yunus trong công chúng Bangladesh được nói đã biến ông thành một đối thủ tiềm năng.

Ông Yunus phải đối mặt với  cáo buộc tham nhũng và bị đưa ra xét xử dưới thời bà Hasina cầm quyền, điều mà ông luôn khẳng định là có động cơ chính trị.

Vào tháng 8/2023, 160 nhân vật toàn cầu, bao gồm cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Tổng thư kí LHQ Ban Ki-moon, đã công bố một bức thư chung  lên án “sự quấy rối tư pháp không ngừng” đối với ông Yunus.

Vào tháng 1, ông Yunus và 3 đồng nghiệp từ Grameen Telecom, một trong những công ty mà ông thành lập, đã bị buộc tội vi phạm luật lao động khi họ không tạo ra quỹ phúc lợi cho người lao động trong công ty và bị kết tội vi phạm luật lao động của Bangladesh.

Sau khi Thủ tướng Hasina từ chức, lãnh đạo Phong trào Sinh viên chống Phân biệt đối xử tại Bangladesh và là nhà tổ chức chính của cuộc biểu tình sinh viên vừa qua, Nahid Islam, đã kêu gọi ông Muhammad Yunus, đứng đầu Chính phủ lâm thời.

leftcenterrightdel
 Những chiếc ô tô bị đốt phá tại Đồn cảnh sát Mohammadpur, thủ đô Dhaka, sau khi Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina từ chức, ngày 6/8. Ảnh: Mohammad Ponir Hossain/Reuters.
leftcenterrightdel
 Binh sĩ dọn dẹp lối vào dinh thự của Thủ tướng Bangladesh tại Dhaka, Bangladesh, ngày 6/8. Ảnh:  Mohammad Ponir Hossain/Reuters.

Các lãnh đạo phong trào biểu tình sinh viên cho biết đã có cuộc nói chuyện với ông Yunus, người hiện đang ở Paris để tham dự Thế vận hội.

“Lúc đầu ông ấy không đồng ý, nhưng các sinh viên đã thuyết phục và cuối cùng ông ấy đã chấp nhận.”, nguồn tin cho biết.

Ông Yunus gọi việc từ chức của bà Hasina là “ngày giải phóng thứ hai” của đất nước.

Ông đã nhận giải Nobel năm 2006 vì dự án tiên phong trong hoạt động cho vay món nhỏ đối với người dân nghèo.

Trước đó, lãnh đạo biểu tình nhấn mạnh, họ không muốn bất kì khuôn mặt chính trị cũ hay từ quân đội thành lập chính phủ.

Ấn Độ “quan ngại sâu sắc” về cuộc khủng hoảng ở Bangladesh

Ngày 6/8, phát biểu trước Quốc hội, Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước tình hình bất ổn ở quốc gia láng giềng Bangladesh.

“Lực lượng biên phòng được chỉ thị phải đặc biệt cảnh giác trước tình hình phức tạp này.”, ông Jaishankar nói.

Nhà ngoại giao hàng đầu Ấn Độ cũng đưa ra xác nhận chính thức đầu tiên nói, bà Hasina đã đến Delhi vào tối 5/8. Theo ông Jaishankar, Chính phủ Ấn Độ, quốc gia có đường biên giới chung dài 4.096 km với Bangladesh, đã nhận được yêu cầu cấp phép bay từ chính quyền Bangladesh.

leftcenterrightdel
 Một người biểu tình bị thương sau cuộc đụng độ với cảnh sát ở Dhaka, Bangladesh, ngày 18/7. Ảnh: Anik Rahman/Reuters.
leftcenterrightdel
 Một sinh viên Bangladesh điều khiển giao thông ở thủ đô Dhaka ngày 6/8, khi cảnh sát đình công. Ảnh: Munir Uz Zaman/AFP.

Trước đó ngày 5/8, truyền thông Ấn Độ đưa tin, trực thăng chở bà Hasina đáp xuống một căn cứ không quân gần New Delhi.

Một nguồn tin cấp cao tiết lộ, nhà lãnh đạo bị lật đổ Bangladesh muốn “quá cảnh” tới London, nhưng lời kêu gọi của Chính phủ Anh về một cuộc điều tra do LHQ dẫn đầu về “mức độ bạo lực chưa từng có” đã khiến điều đó trở nên không chắc chắn.

Liên quan đến tình hình an ninh ở Bangladesh, sau khi Hiệp hội cảnh sát Bangladesh tuyên bố đình công, lí do họ không được đảm bảo an toàn trước đám đông, sinh viên đã thành lập các nhóm tự vệ và kiểm soát trật tự đường phố cũng như tài sản công cộng.

Nguyên nhân nào dẫn đến các cuộc biểu tình đòi hạn ngạch việc làm?

Các cuộc biểu tình nổ ra tại các trường đại học ở Bangladesh từ tháng 6, sau khi Tòa án cấp cao khôi phục hệ thống hạn ngạch việc làm của Chính phủ, vốn ưu tiên cho người thân của các cựu chiến binh trong cuộc chiến giành độc lập của Bangladesh.

Phán quyết này đã lật ngược quyết định năm 2018 của Chính phủ Hasina về việc hủy bỏ chính sách này.

leftcenterrightdel
 Những người biểu tình phản đối hạn ngạch việc làm của Chính phủ tại Đại học Dhaka, ở Dhaka, Bangladesh, ngày 16/7. Ảnh: Mohammad Ponir Hossain/Reuters.

Tòa án Tối cao đã đình chỉ quyết định của Tòa án cấp cao sau khi Chính phủ kháng cáo và sau đó bác bỏ lệnh này vào tháng trước, điều chỉnh rằng, 93% việc làm phải dành cho các ứng viên có năng lực.

Quyết định cũng cắt giảm hạn ngạch đối với con cháu của cựu chiến binh xuống còn 5%, trong khi 2% còn lại dành cho nhóm người dân tộc thiểu số, người chuyển giới và người khuyết tật.

Văn Phong/Aljazeera, Reuters