Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos và Viện Hàn lâm Khoa học Nga đang xem xét khả năng khám phá sao Hỏa trong chương trình riêng, có tính đến nền tảng của sứ mệnh ExoMars 2022, Roscosmos cho biết.

“Các chuyên gia của tập đoàn nhà nước Roscosmos và Viện Hàn lâm Khoa học Nga đang nghiên cứu khả năng khám phá sao Hỏa, có tính đến nền tảng được thực hiện trong dự án ExoMars, bao gồm cả khả năng thu hút các đối tác nước ngoài.”, dịch vụ báo chí của Roscosmos nói.

leftcenterrightdel
 Mô hình thử nghiệm xe tự hành ExoMars của châu Âu vốn là một phần trong dự án khám phá sao Hỏa chung với Nga. Nguồn: ESA.

Trước đó, theo Roscosmos, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã từ chối các đề xuất của Nga việc khởi động sứ mệnh ExoMars vào năm 2024 hoặc 2026. 

Trong khi ESA lên kế hoạch phóng xe tự hành lên sao Hỏa để tìm kiếm dấu hiệu sự sống trên Hành tinh Đỏ, vốn là mục tiêu của dự án hợp tác chung ExoMars, vào tháng 10/2028 mà không có sự tham gia của Nga.

Với việc dự án chung ExoMars-2022 đổ bể, các thiết bị khoa học của Nga (ADRON-RM và ISEM) được lắp đặt trên xe tự hành châu Âu trong sứ mệnh ExoMars-2022 sẽ được tháo dỡ để trả lại phía Nga.

leftcenterrightdel
 Nga cho biết đang xem xét khả năng khám phá sao Hỏa trong chương trình riêng, có tính đến nền tảng của sứ mệnh ExoMars 2022. Ảnh: Sergei Bobylev / TASS.

Vào tháng 7 năm ngoái, người đứng đầu ESA Josef Aschbacher đã thông báo, Ban Giám đốc ESA đã quyết định chấm dứt hợp tác với Roscosmos trong chương trình ExoMars. Khi đó, Roscosmos tuyên bố, Nga có thể thực hiện một phần dự án ở cấp quốc gia hoặc với các đối tác từ các quốc gia thân thiện.

Vào tháng 11 năm ngoái, Tổng giám đốc Roscosmos Yury Borisov nói với TASS, ESA đã hoàn toàn từ bỏ hợp tác với Nga trong việc thăm dò sao Hỏa. 

Ông Borisov nhấn mạnh, cả cộng đồng khoa học của châu Âu và Nga sẽ không được lợi ích từ bước đi như vậy.

Văn Phong/TASS