Văn phòng liên lạc NATO đầu tiên ở Châu Á!
Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Koji Tomita mới đây xác nhận, nước này đang nỗ lực cho việc mở văn phòng liên lạc của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Tokyo.
Ông Tomita đã đưa ra thông tin tại một sự kiện do Câu lạc bộ báo chí Quốc gia Mỹ tổ chức ở Washington, khi được hỏi về một báo cáo trên tờ Nikkei Asia trước đó nói, liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo đang có kế hoạch mở một văn phòng liên lạc đầu tiên ở Châu Á, để tạo điều kiện cho các cuộc tham vấn trong khu vực.
Nhà ngoại giao Nhật Bản cho biết, vấn đề đề cập là một trong những điều mà Tokyo đang tiến hành nhằm tăng cường quan hệ đối tác.
|
|
Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ, Koji Tomita, phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí quốc gia Mỹ ở Washington vào ngày 9/5. Nguồn: Kyodo. |
Theo Nikkei Asia, văn phòng sẽ sử dụng một nhân viên của NATO và việc khai trương văn phòng có thể diễn ra tại Tokyo vào năm 2024.
Văn phòng sẽ cho phép NATO tổ chức các cuộc tham vấn định kỳ với Nhật Bản và các đối tác quan trọng trong khu vực, chẳng hạn như Hàn Quốc, Úc và New Zealand, khi có những thách thức địa chính trị từ các đối thủ trong và ngoài khu vực, Nikkei Asia lưu ý.
Người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg đã đến thăm Nhật Bản vào đầu năm, cam kết với Thủ tướng Kishida Fumio sẽ tăng cường quan hệ khi đối mặt với những “thách thức an ninh lịch sử”.
Có khả năng Nhật Bản trở thành thành viên NATO?
Trước đó hồi đầu năm, giới truyền thông Nhật Bản nói, Tokyo có kế hoạch mở văn phòng đại diện tại trụ sở NATO ở Brussels, cơ quan này sẽ hoạt động độc lập với đại sứ quán nước này ở Bỉ. Bằng cách này, liên lạc thường xuyên sẽ được thiết lập giữa Nhật Bản và khối NATO.
Theo người đứng đầu Phòng Hội nhập và Phát triển Á - Âu SCO thuộc Viện các nước SNG Vladimir Evseev, việc mở văn phòng NATO tại Nhật Bản không có nghĩa là nước này gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương.
|
|
Sputnik cho rằng, triển vọng Nhật Bản trở thành thành viên NATO là rất mong manh!. Ảnh: Reuters. |
“Rất có thể, đây là tín hiệu cho thấy trong vòng 2 năm tới, Nhật Bản sẽ trở thành thành viên của AUKUS (liên minh an ninh 3 bên Mỹ, Anh, Úc). Và điều này sẽ đòi hỏi Tokyo phải tăng cường quan hệ với NATO. Chuyến thăm của Tổng Thư ký NATO Stoltenberg tới Nhật Bản và Hàn Quốc vào tháng 1 đã trở thành việc chuẩn bị để phát triển các sự kiện này…”, ông Vladimir Evseev nói.
Bình luận về khả năng Nhật Bản gia nhập NATO, hãng thông tấn Nga Sputnik, cho rằng, triển vọng để Tokyo trở thành thành viên đầy đủ của NATO là rất mong manh bởi các tài liệu thành lập liên minh nói đây là một tổ chức có phạm vi ở Châu Âu-Đại Tây Dương.
Tuy nhiên, Sputnik lưu ý, nguyên tắc này có thể bị phá vỡ khi đề cập trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của NATO từ năm 1952, mà phần lớn lãnh thổ của nước này nằm ở châu Á và hoàn toàn không nằm trên bờ Đại Tây Dương.