Hôm 20/2, nói với truyền thông khi lên đường đến bang California, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ông sẽ công bố gói trừng phạt “năng ký” chống lại Moscow vào ngày 23/2, vì cái chết của thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny và cuộc chiến kéo dài 2 năm ở Ukraine.

Theo người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, John Kirby, gói này sẽ buộc Nga phải chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra với ông Navalny và về các hành động của nước này trong suốt cuộc chiến ở Ukraine.

Ông Kirby cho biết, Mỹ đang thúc ép Nga minh bạch về cái chết của ông Navalny; tuyên bố, câu chuyện dù được diễn giải theo hướng nào thì Tổng thống Putin và chính phủ của ông cũng phải chịu trách nhiệm.

Trong khi cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói, các biện pháp trừng phạt mới nhất đối với Nga sẽ nhắm vào một loạt hạng mục, bao gồm các cơ sở công nghiệp và quốc phòng của nước này, cùng với các nguồn thu chủ yếu của nền kinh tế Nga.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny phát biểu tại một cuộc biểu tình ở Moscow, Nga năm 2019. Ảnh: Pavel Golovkin / AP.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, một gói trừng phạt đã được lên kế hoạch nhân 2 năm Nga tiến hành cuộc chiến ở Ukraine và đang được xem xét, bổ sung để phản ứng về cái chết của ông Navalny.

Thứ trưởng Tài chính phụ trách các vấn đề khủng bố và tình báo tài chính, Brian Nelson, cũng đang thảo luận về các biện pháp trừng phạt liên quan đến cái chết của ông Navalny trong chuyến đi tới châu Âu, các nguồn tin cho biết.

Mỹ đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt liên quan đến việc Nga tiến hành cuộc chiến ở Ukraine vào ngày 24/2/2022, cũng như vụ tai biến sức khỏe của ông Navalny vào năm 2020 mà phương Tây nói là một vụ đầu độc cũng như việc bỏ tù ông này.

Hôm 19/2, các quốc gia Liên minh Châu Âu (EU), bao gồm Đức, đã kêu gọi áp đặt bổ sung các lệnh trừng phạt mới đối với Moscow liên quan đến cái chết của ông Navalny, khi EU thảo luận về một loạt các lệnh trừng phạt mới để đánh dấu 2 năm Nga tiến hành cuộc chiến ở Ukraine.

leftcenterrightdel
 Ông Navalny và vợ Yulia trong một cuộc biểu tình ở Moscow năm 2019/ Reuters.

Hungary là quốc gia EU duy nhất chưa phê chuẩn các chế tài được đề xuất đối với gần 200 tổ chức và những cá nhân được coi là có liên quan đến cuộc chiến Ukraine, trong gói trừng phạt thứ 13 của EU đối với Nga.

Nhà ngoại giao hàng đầu của EU đề nghị đưa các quan chức nhà tù Nga liên quan đến cái chết của ông Navalny vào danh sách những người bị phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết, bà hy vọng 27 quốc gia EU sẽ sớm đạt được đồng thuận về gói trừng phạt thứ 13 chống Nga.

Cơ quan Nhà tù Liên bang Nga (FSIN) cho biết, tù nhân Navalny cảm thấy không khỏe khi đi dạo, sau đó gần như ngay lập tức bất tỉnh và qua đời vào ngày 16/2, tại khu cải huấn số 3 ở Khu tự trị Yamal-Nenets, tây bắc Nga, nơi ông này đang thụ án tù.

Mỹ và các quốc gia phương Tây lập tức cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan đến cái chết của ông Navalny, điều mà Điện Kremlin bác bỏ.

leftcenterrightdel
 Ông Alexei Navalny bị cảnh sát bắt giữ trong một cuộc tuần hành ở Moscow vào ngày 12/6/2019. Ảnh: Vasily Maximov/AFP.

“Trong khi còn chưa có cuộc kiểm tra pháp y nào, nhưng Phương Tây đã đưa ra kết luận.”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, lưu ý, những cáo buộc được đưa ra lập tức ngay sau cái chết của ông Navalny cho thấy chúng đã được chuẩn bị trước.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyến bố, những cáo buộc đối với ông Putin là vô căn cứ; cho biết, FSIN đang kiểm tra mọi thứ liên quan đến cái chết của ông Navalny và rằng, nguyên nhân cái chết nên được các bác sĩ xác định.

Theo truyền thông Nga, FSIN đã cử một ủy ban đến nhà tù nơi ông Navalny đột tử. Trong khi Văn phòng Ủy ban Điều tra Nga tại Khu tự trị Yamalo-Nenets đã mở một cuộc điều tra.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 21/2, hãng thống tấn TASS dẫn nguồn từ Bộ Nội vụ Nga cho biết, anh trai của của Alexey Navalny, Oleg Navalny bị truy nã liên quan đến các cáo buộc hình sự mới chống lại ông này.

Tòa án Preobrazhensky, Moscow đã tuyên án ông Oleg Navalny 1 năm tù treo vào năm 2021, do ông Oleg đã cố gắng thông qua mạng xã hội để tổ chức một cuộc biểu tình trái phép vào tháng 1/2021, vi phạm các hạn chế về phòng chống dịch COVID-19.

FSIN Nga đã yêu cầu tòa án thay thế bản án treo bằng án tù giam đối với ông Oleg Navalny, với lý do ông này từ chối tuân thủ các hạn chế mà phán quyết của tòa án đưa ra.

Văn Phong/Reuters, TASS, Sputnik