Trong một thông cáo ngày 30/4, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, trước đó cùng ngày tại Washington, nước này và Ukraine đã ký một thỏa thuận cho phép Washington tiếp cận các loại khoáng sản hiếm và tài trợ cho các nỗ lực tái thiết tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá, thông qua một quỹ đầu tư tái thiết chung.

Việc ký kết thỏa thuận khoáng sản diễn ra sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng (vốn được lên kế hoạch ký vào cuối tháng 2, nhưng đã đổ vỡ sau màn đấu khẩu nảy lửa ngày 28/2 tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky), đánh dấu bước đột phá trong quan hệ giữa hai nước.

Các quan chức Mỹ coi thỏa thuận này là dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ lâu dài của Washington dành cho Ukraine.

Cùng với công bố thỏa thuận khoáng sản, thông cáo dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, người đại diện phía Washington ký thỏa thuận, cho biết, việc thành lập Quỹ đầu tư tái thiết Mỹ - Ukraine là tín hiệu gửi tới Nga rằng, chính quyền Trump “cam kết theo đuổi tiến trình hòa bình với trọng tâm hướng đến một Ukraine tự do, có chủ quyền và thịnh vượng trong dài hạn”.

Ông Bessent nhấn mạnh, thỏa thuận sẽ không cho phép “bất kỳ quốc gia hoặc cá nhân nào tài trợ hoặc cung cấp cho cỗ máy chiến tranh của Nga” được hưởng lợi từ quá trình tái thiết Ukraine.  

Theo Bộ Kinh tế Ukraine, toàn bộ nguồn lực của quỹ chung sẽ được tập trung đầu tư cho tái thiết Ukraine trong 10 năm đầu tiên, sau đó lợi nhuận có thể được phân bổ cho các đối tác.

leftcenterrightdel
 Phó Thủ tướng Ukraine, bà Yulia Svyrydenko (giữa), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent (kế bên phía trái) và các quan chức 2 nước tại lễ ký thỏa thuận khoáng sản Ukraine- Mỹ, Washington, ngày 30/4. Ảnh: Yulia Svyrydenko.

Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko, người đại diện Kyiv ký thỏa thuận, cho rằng, với thỏa thuận, Ukraine không chỉ có được một nguồn đầu tư, hơn thế đó còn là một đối tác chiến lược cam kết hợp tác với Ukraine để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới.

Trong khi Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal cho biết, thỏa thuận cho phép Kyiv thu hút được nguồn lực đáng kể cho việc tái thiết, khởi động tăng trưởng kinh tế và tiếp nhận các công nghệ mới nhất từ các đối tác và nhà đầu tư chiến lược tại Mỹ.

Theo ông Shmygal, Quỹ đầu tư tái thiết sẽ được Kyiv và Washington cùng quản lý với tư cách quan hệ đối tác bình đẳng, với cả hai bên đóng góp vào quỹ. Trong đó, viện trợ quân sự trong tương lai từ Mỹ có thể được tính là khoản đóng góp vào quỹ. Đáng lưu ý, thỏa thuận không quy định bất kỳ nghĩa vụ nợ nào của Ukraine.

Mặt khác, thỏa thuận xác lập quyền của Kyiv trong việc kiểm soát hoàn toàn đối với lòng đất, cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên. Việc thành lập quỹ này cũng sẽ không ảnh hưởng đến nỗ lực của Ukraine trở thành thành viên Liên minh châu Âu.

Ukraine đã thúc đẩy yêu cầu đảm bảo an ninh như một phần của bất kỳ thỏa thuận nào nhằm ngăn ngừa khả năng Nga tái phát động chiến tranh.

Trong khi Chính quyền của Tổng thống Trump lập luận rằng, sự hiện diện và việc thúc đẩy làm ăn của Mỹ tại Ukraine đã là một sự bảo đảm an ninh cho Kyiv, trong trường hợp các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Theo tờ Washington Post, trên cơ sở văn bản thỏa thuận mà tờ này có được, thỏa thuận không đưa ra bất kỳ đảm bảo an ninh cụ thể nào cho Ukraine. Thay vào đó, nó khẳng định sự liên kết chiến lược dài hạn giữa hai quốc gia và cam kết Mỹ hỗ trợ cho an ninh, thịnh vượng, tái thiết và hội nhập của Ukraine vào khuôn khổ kinh tế toàn cầu.

Ukraine ước tính nước này nắm giữ khoảng 5% trữ lượng khoáng sản quan trọng của thế giới, được sử dụng trong sản xuất đồ điện tử, xe điện và khí tài quân sự.

Các mỏ của Ukraine bao gồm trữ lượng của 22 trong số 34 loại khoáng sản được EU phân loại là trọng yếu.

Văn Phong/Aljazeera, Kyivindependent