Ngày 23/5, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố Giấy phép chung 25 (GL25), cho phép các giao dịch trước đây bị cấm theo Quy định trừng phạt Syria (SSR).

Biện pháp này dỡ bỏ các hạn chế đối với các giao dịch với chính quyền trung ương Damascus, bao gồm Ngân hàng Trung ương Syria, một số ngân hàng nhà nước, các công ty năng lượng, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và các hãng hàng không quốc gia như Syrian Arab Airlines.

Các biện pháp này được cho là sẽ tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư mới và hoạt động của khu vực tư nhân phù hợp với chiến lược ‘Nước Mỹ trên hết’ của Tổng thống Trump.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ban hành lệnh miễn trừ 180 ngày theo Đạo luật Bảo vệ dân thường Syria (Đạo luật Caesar), đình chỉ một số biện pháp trừng phạt nghiêm khắc được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2019.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp lịch sử với Tổng thống lâm thời Syria al-Sharaa ngày 14/5 tại Riyadh, Ả Rập Xê Út. Nguồn: AsaadHannaa.

Lệnh miễn trừ này bao gồm các dịch vụ tài chính, kỹ thuật và hỗ trợ hậu cần cho các dự án liên quan đến nước, điện, vệ sinh và y tế công cộng.

Động thái, theo Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, là nhằm cho phép các đối tác nước ngoài đồng minh của Mỹ khai thác thêm tiềm năng của Syria, cũng như cho phép ứng phó nhân đạo hiệu quả hơn tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá.

“Động thái ngày hôm nay là bước đầu tiên trong việc hiện thực hóa tầm nhìn của Tổng thống về mối quan hệ mới giữa Syria và Mỹ.”, ông Rubio nói.

“Như Tổng thống Trump đã cam kết, Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao đang thực hiện các quyền hạn để khuyến khích đầu tư mới vào Syria.”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nói, nhấn mạnh, Syria cũng phải tiếp tục nỗ lực để trở thành một quốc gia ổn định và hòa bình; và hy vọng, động thái của Mỹ sẽ giúp đưa Syria “đi đúng hướng tới một tương lai tươi sáng, thịnh vượng và ổn định”.

leftcenterrightdel
 Cuộc gặp trước sự chứng kiến của Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman. Nguồn: NORTH.

Trước đó ngày 21/12/2024, sau khi phái đoàn ngoại giao Mỹ đến thủ đô Damascus và có cuộc gặp lãnh đạo mới của Syria, Ahmed al-Sharaa, Mỹ đã hủy treo thưởng 10 triệu USD cho việc bắt giữ cựu thủ lĩnh nhóm chiến binh Hayat Tahrir al-Sham (HTS) này.

Trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) tại thủ đô Riyadh, Ả Rập Xê Út ngày 14/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump gây bất ngờ khi thông báo, Washington đang cân nhắc bình thường hóa quan hệ với Damascus, sau khi ông gặp Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa, cuộc gặp lịch sử đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo hai nước sau 25 năm.

Trong cuộc họp, ông Trump cũng cho biết, Mỹ sẽ dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt đối với Syria để mang lại cho quốc gia Trung Đông giàu dầu mỏ, vốn hơn một thập kỷ chìm trong nội chiến, “một khởi đầu mới”.

Trước đó cùng ngày, tại Riyadh, ông Trump đã có cuộc gặp kéo dài hơn nửa giờ với nhà lãnh đạo mới của Syria al-Sharaa, vốn là thủ lĩnh nhóm chiến binh HTS mà Mỹ coi là tổ chức khủng bố, người từng tuyên thệ trung thành với al-Qaeda và lên nắm quyền ở Syria, sau khi lãnh đạo các nhóm chiến binh đối lập, thực hiện cuộc tấn công chớp nhoáng lật đổ nhà lãnh đạo lâu năm Bashar al-Assad vào tháng 12 năm ngoái.

leftcenterrightdel
 Ông Macron và ông al-Sharaa trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp tại Điện Elysee ở Paris, ngày 7/5.  Ảnh: Stephanie Lecocq/AFP.

Sau khi chính quyền mới lên nắm quyền ở Syria, không chỉ các quốc gia châu Âu, với vai trò tiên phong của Pháp, nhiều quốc gia khác, bao gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ,.. kêu gọi Mỹ nới lỏng và tiến tới dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống lại quốc gia Tây Á vốn kiệt quệ sau hơn một thập kỷ nội chiến.

Theo các báo cáo quốc tế, có tới 656.493 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột; trong khi một báo cáo năm 2020 của Liên Hợp Quốc ước tính rằng, chỉ riêng trong 8 năm đầu của cuộc chiến, Syria đã phải chịu tổng thiệt hại kinh tế khoảng 442,2 tỷ đô la.

Trong một phát biểu vào tháng 2, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ và Phương Tây đang gây tổn hại đến người dân Syria và nên được dỡ bỏ mà không cần điều kiện tiên quyết.

Ngày 7/5, trong cuộc họp báo chung với Tổng thống lâm thời Syria al-Sharaa, người khi đó đang có chuyến đi lịch sử tới châu Âu, Tổng thống Pháp Macron cho biết, Paris sẽ cân nhắc thúc đẩy việc dỡ bỏ dần lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU), sau đó là vận động đối tác Mỹ làm theo, nếu Syria tiếp tục theo con đường hiện tại hướng tới một chế độ dân chủ, hòa hợp dân tộc.

Văn Phong/Aljazeera, RT.