|
|
Cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan. (Nguồn: Getty) |
Trong thời gian giữ chức Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Kofi Annan được coi là ngôi sao sáng trong các mối quan hệ quốc tế. “Viên kim cương” của lục địa đen đã đem đến sự hồi sinh và sức sống mới cho cơ quan quyền lực nhất thế giới sau 2 nhiệm kỳ lãnh đạo của mình.
Sinh ngày 8/4/1938 tại Kumasi, Ghana trong một gia đình mà bố mẹ đều xuất thân từ hai bộ tộc lớn, ông và chú lại đều là những trưởng bộ lạc nên ông Annan từ nhỏ đã được tiếp cận những người có tiếng là ngoại giao giỏi, làm chính trị tốt. Bản thân chưa phải trải qua cuộc sống khổ cực nhưng ông Annan luôn có mộng ước sẽ phấn đấu để người dân quê hương ông nói riêng và nhân dân thế giới nói chung có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Năm 1962, ông Annan bắt đầu làm việc cho Liên hợp quốc với tư cách là nhân viên kế toán thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong khoảng thời gian từ năm 1976-1990, ông Annan đi lại liên tục giữa New York và Geneva.
Năm 1993, tức một năm sau khi giữ chức trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông được Tổng thư ký LHQ lúc đó là Boutros Boutros-Ghali đề cử giữ vị trí cao nhất trong lực lượng gìn giữ hòa bình, nắm quyền chỉ huy 70.000 nhân viên quân sự và dân sự đến từ 77 quốc gia có mặt trong 17 chương trình gìn giữ hòa bình trên thế giới.
Tiếp đó, ông Annan lại được giao giữ chức Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc tại Liên bang Nam Tư cũ. Cho đến đầu năm 1996, ông Annan được nhắc đến như một ứng viên tiềm năng cho chức Tổng thư ký Liên hợp quốc.
Không tổ chức các chiến dịch vận động tranh cử và hờ hững trước mọi lời tán nịnh, ông Annan đã tự đi lên bằng chính năng lực của mình. Ông đã vinh dự trở thành người châu Phi đầu tiên làm Tổng thư ký Liên hợp quốc và cũng là người đầu tiên đi lên vị trí cao nhất từ một nhân viên cấp thấp của tổ chức này.
Bên cạnh đó, ông Annan còn được ghi nhận là Tổng thư ký đầu tiên được bầu bởi đội ngũ nhân viên Liên hợp quốc. Nhậm chức năm 1997, ông đã phải đối mặt với nhiều thử thách khắc nghiệt bởi lúc đó Liên hợp quốc đang đứng bên bờ vực phá sản và vấp phải thái độ thù nghịch của Chính phủ Mỹ.
Ngay trong tuần lễ đầu tiên ở cương vị Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Annan đã thực hiện chuyến công du tới Washington để tìm sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ.
Công cuộc cải tổ Liên hợp quốc cũng được ông sắp xếp khá thành công với việc loại bỏ 1.000 trong số 6.000 vị trí trong trụ sở Liên hợp quốc tại New York. Ông Annan còn cho thực hiện hàng loạt cải cách trong công tác quản lý như lập chức vụ Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc cùng một bộ phận giám sát tài chính theo dõi việc lãng phí, tham nhũng và xây dựng phương thức điều hành hiệu quả hơn...
Việc ông được tái cử nhiệm kỳ hai vào tháng 1/2002 cũng là một ngoại lệ vì những người tiền nhiệm chỉ được làm một nhiệm kỳ và theo thông lệ luân phiên, mỗi châu lục chỉ giữ được 2 nhiệm kỳ Tổng thư ký Liên hợp quốc.
10 năm trên cương vị người đứng đầu cơ quan quyền lực nhất thế giới, ông Annan đã được các nhà phân tích, chính trị gia đánh giá là vị Tổng thư ký xuất sắc nhất trong lịch sử Liên hợp quốc.
Nhằm cải thiện đời sống người dân trên thế giới, ông Annan đã tích cực kêu gọi các quốc gia phát triển giúp đỡ những nước nghèo hơn, xoá nghèo và bất bình đẳng. Nhờ có ông mà tầng lớp dân nghèo được chú ý nhiều hơn và có được sự chia sẻ sâu sắc của cộng đồng quốc tế.
Chính sách kêu gọi hành động ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS toàn cầu của ông năm 2001 đã tạo tiền đề cho việc thành lập quỹ Y tế và AIDS toàn cầu, lấy ngân sách từ các nước giàu để giúp đỡ những nước đang phát triển chống lại căn bệnh thế kỷ.
Một thành công nữa của ông Annan là ông đã thuyết phục nhiều nước đặc biệt là các quốc gia châu Âu công nhận mối đe dọa lớn của đại dịch HIV/AIDS. Với những cống hiến to lớn cho nhân loại, ngày 10/12/2001, ông Annan và Liên hợp quốc đã vinh dự được nhận giải thưởng Nobel Hòa bình.
Theo TTXVN