Hôm 6/1, Ban Thư ký của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) xác nhận, đã nhận được đề nghị trước đó cùng ngày của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cho biết, nước này hiện đang bị “xâm lược” bởi các băng nhóm khủng bố được đào tạo từ nước ngoài.
|
|
Người biểu tình quá khích đốt phá tòa thị chính ở Almaty, Kazakhstan, hôm 5/1. Ảnh: AFP. |
"Ban Thư ký của CSTO xác nhận đã nhận được lời đề nghị hỗ trợ từ phía Kazakhstan, trong đó nêu rõ tình huống này được coi là một cuộc xâm lược của các băng nhóm khủng bố được đào tạo từ nước ngoài.", tuyên bố trên trang web của CSTO cho biết.
Đáp lại lời kêu gọi, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, Chủ tịch luân phiên Hội đồng tối cao CSTO đã quyết định gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Kazakhstan, sau khi tham vấn với lãnh đạo các nước thành viên.
|
|
Cảnh sát phong tỏa một số con đường ở TP Almaty, đối phó với người biểu tình. Ảnh: RReuters/ Pavel Mikheyev. |
“Liên quan đến lời kêu gọi của Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Tokayev và trước mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, chủ quyền của Cộng hòa Kazakhstan, xuất phát từ việc có sự can thiệp từ bên ngoài, Hội đồng An ninh Tập thể CSTO tuân theo Điều 4 của Hiệp ước An ninh Tập thể đã quyết định gửi Lực lượng gìn giữ hòa bình tập thể CSTO tới Cộng hòa Kazakhstan trong một thời gian nhất định, với mục đích ổn định và bình thường hóa tình hình ở quốc gia này.”, Thủ tướng Pashinyan cho biết.
|
|
Xe cảnh sát bốc cháy khi người biểu tình đụng độ với cảnh sát tại TP Alma-Ata. Ảnh: Reuters/Pavel Mikheyev. |
Các cuộc biểu tình ở Kazakhstan bắt đầu từ ngày 2/1. Đám đông đã xuống đường tại các thành phố Zhanaozen và Aktau, nằm trong vùng Mangistau, phía Tây Nam Kazakhstan, phản đối phản đối giá nhiên liệu tăng cao.
Đám đông cũng đã tấn công chiếm giữ sân bay Almaty, đập phá nhiều máy bay.
|
|
Cảnh sát sử dụng hơi cay trong nỗ lực giải tán đám đông. Ảnh: AP/ Vladimir Tretyakov. |
Các hình ảnh được báo chí đăng tải cho thấy, đã có nhiều cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát cùng với cảnh nhiều tòa nhà bị đốt phá.
Theo các nguồn tin hôm 5/1, ít nhất 2 quân nhân của Lực lượng vũ trang Kazakhstan và 8 cảnh sát và binh sĩ Vệ binh Quốc gia đã thiệt mạng, hơn 300 sĩ quan an ninh bị thương.
|
|
Những người biểu tình ở Alma-Ata cản trở hoạt động của xe cứu thương. Ảnh: Reuters/Pavel Mikheyev. |
Truyền thông Nga dẫn lời người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, Dmitry Rogozin, cho biết, an ninh đã được tăng cường xung quanh các cơ sở chính tại Sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan, nơi Nga sử dụng cho các vụ phóng vào không gian.
Ngày 4/1, nhà chức trách tuyên bố sẵn sàng thực hiện yêu cầu giảm giá xăng, tuy vậy, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục nổ ra ở các thành phố khác.
|
|
Lực lượng quân đội triển khai xe bọc thép ở một số khu vực. Ảnh: Reuters/Stringer. |
Sáng 5/1, Tổng thống Tokayev tuyên bố giải tán chính phủ và chỉ thị đưa ra quy định về giá khí đốt và xăng dầu trong 6 tháng, đồng thời công bố các biện pháp mới để giải quyết tình hình, bao gồm ban bố tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc.
Trước những thiệt hại nhân mạng trong lực lượng an ninh từ hậu quả của cuộc bạo động, ông Tokayev cảnh báo, chính quyền sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn đối với những hành vi quá khích của người biểu tình.
|
|
Những người biểu tình quá khích đốt phá một tòa nhà ở thành phố Almaty, Kazakhstan. Nguồn: Sputnik. |
Liên quan đến sự kiện, ngày 5/1, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki phủ nhận cáo buộc liên quan đến cuộc biểu tình bùng phát thành bạo loạn ở Kazakhstan, khẳng định Mỹ không xúi giục gây bất ổn tại nước này.
Bà Psaki cũng kêu gọi các nhà chức trách Kazakhstan “kiềm chế” để những người biểu tình có thể bày tỏ một cách hòa bình.