Hải quân IRGC cho biết: “Tàu chở dầu của Hàn Quốc đã bị chặn lại trong vùng biển ô nhiễm môi trường ở Vịnh Ba Tư sau khi phớt lờ các cảnh báo.”, Hải quân IRGC cho biết, đồng thời lưu ý, tàu chở dầu đã được đưa đến cảng Bandar Abbas, Iran để thực hiện các bước xử lý tiếp theo.
"Tàu chở dầu Hankuk Chemi chở 7.200 tấn hóa chất dầu đã liên tục vi phạm các quy định về môi trường kể từ khi nó khởi hành từ cảng Al-Jobail của Ả Rập Xê Út.", tin nói, đồng thời cho biết, vụ việc sẽ được chuyển lên cơ quan tư pháp Iran.
Trong khi đó, tờ Koreatimes dẫn thông tin từ Yonhap xác nhận, thủy thủ đoàn trên tàu MT Hankuk Chemi có 20 người, gồm 5 người Hàn Quốc, 11 người Myanma, 2 người Indonesia và 2 người Việt Nam.
|
|
Tàu chở dầu Hankuk Chemi mang cờ Hàn Quốc. Nguồn: Marietraffic.com/Balticshipping. |
Tin dẫn nguồn từ giới chức Hàn Quốc cho biết, đơn vị chống cướp biển của nước này đã bắt đầu hoạt động ở eo biển Hormuz hôm 5/1 để đối phó với căng thẳng gia tăng sau khi Iran giữ tàu chở dầu của Hàn Quốc.
"Sau khi tàu bị giữ, chúng tôi đã cử Đơn vị Chống cướp biển Cheonghae tới hiện trường. Nó đã đến vùng biển gần đó sớm hơn trong ngày và đang tiến hành các hoạt động để đối phó với tình hình", một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói.
Theo Koreatimes, tàu khu trục Choi Young 4.400 tấn thuộc Đơn vị Cheonghae đã ở vùng biển ngoài khơi Somalia kể từ cuối tháng 12 để thực hiện các nhiệm vụ chống cướp biển ở Vịnh Aden và eo biển Hormuz.
Trong khi Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho biết, Hàn Quốc đang nỗ lực ngoại giao để giải phóng nhanh chóng con tàu và các thuyền viên.
Ông Kang nói với các phóng viên: “Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu điều gì đã xảy ra thông qua Đại sứ quán Iran tại Hàn Quốc và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Iran, tiếp tục nỗ lực giải quyết vụ việc.
|
|
Tàu chở dầu Hankuk Chemi bị giữ được nói do gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Fars. |
Khi được hỏi về suy đoán rằng, Tehran có thể đã bắt giữ con tàu để phản ứng việc tài sản của họ bị đóng băng ở Hàn Quốc do lệnh trừng phạt của Mỹ, ông Kang nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu là "xác minh sự thật và đảm bảo an toàn cho các thành viên thủy thủ đoàn”.
Hôm 4/1, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Iran thả ngay tàu chở dầu, nói rằng, vụ bắt giữ này là một phần trong nỗ lực của Teheran nhằm thúc ép cộng đồng quốc tế dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với nước này.
Là con đường dẫn dầu quan trọng nhất thế giới và là điểm tắc nghẽn giữa Vịnh Ả Rập và Vịnh Oman, eo biển Hormuz là con đường dẫn ra đại dương, nơi trung chuyển hơn 1/6 sản lượng dầu toàn cầu và 70% lượng dầu nhập khẩu của Hàn Quốc.