Ngày 6/7, Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội BRICS đã khai mạc tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Rio de Janeiro, Brazil, dự kiến kéo dài trong 2 ngày, với sự hiện diện của lãnh đạo 11 quốc gia trong khối.

Theo truyền thông Nga, khu vực diễn ra hội nghị được lực lượng an ninh phong tỏa bằng xe bọc thép. Các nhân viên thực thi pháp luật cũng đang làm nhiệm vụ trên các đường phố xung quanh.

Thông báo từ Điện Kremlin nói, phái đoàn Nga do Ngoại trưởng Sergei Lavrov dẫn đầu. Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham dự phiên họp toàn thể chính của sự kiện qua liên kết video.

leftcenterrightdel
 Các nhà lãnh đạo BRICS chụp ảnh lưu niệm trước phiên khai mạc. Nguồn: LulaOficial.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cử Thủ tướng Lý Cường thay thế tại thượng đỉnh BRICS Brazil.

Đây là hội nghị cấp cao lần thứ XVII của các quốc gia trong hiệp hội.

Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov thông báo, Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này sẽ thảo luận các các chủ đề hòa bình và an ninh; vấn đề cải cách quản trị toàn cầu; triển vọng hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, thương mại- kinh tế và văn hóa- nhân đạo; quan điểm về những vấn đề cấp bách nhất của chương trình nghị sự quốc tế.

Trên cơ sở kết quả sự kiện, các nước dự kiến thông qua Tuyên bố tổng kết.

leftcenterrightdel
 Ngoại trưởng Sergei Lavrov dẫn đầu phái đoàn Nga tham dự sự kiện. Nguồn: brics-russia2024.ru

Trong khi đó, một ngày trước khi diễn ra sự kiện, Tổng thống Brazil (quốc gia giữ vị trí Chủ tịch luân phiên của BRICS năm 2025) Luiz Inacio Lula da Silva, đã khẳng định: “Đối mặt với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, các quốc gia mới nổi phải bảo vệ chế độ thương mại đa phương và cải cách cấu trúc tài chính quốc tế”.

Theo dự thảo thông cáo chung của sự kiện, các nước thuộc khối BRICS sẽ bày tỏ quan ngại sâu sắc về các biện pháp thuế quan và phi thuế quan gây ảnh hưởng đến thương mại.

Tài liệu nhấn mạnh rằng, các biện pháp này có thể ảnh hưởng đến “sự phát triển kinh tế trên toàn thế giới”, ám chỉ đến cuộc chiến thuế quan do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Nga Putin tham dự phiên họp toàn thể chính của sự kiện qua liên kết video. Ảnh: Sputnik/  Ramil Sitdikov.

Phát biểu với các nhà lãnh đạo BRICS ngày 6/7, Tổng thống Brazil Lula da Silva cho biết, thế giới phải hành động để ngăn chặn những gì ông mô tả là “cuộc diệt chủng” của Israel tại Gaza.

“Chúng ta không thể làm ngơ trớc tội diệt chủng do Israel thực hiện ở Gaza, việc giết hại bừa bãi thường dân vô tội và việc sử dụng nạn đói như một vũ khí chiến tranh.”, ông Lula da Silva nói.

BRICS là hiệp hội liên quốc gia được thành lập vào năm 2006 gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.

Khối kết nạp thêm thành viên Nam Phi (2011); Ai Cập, UAE, Ethiopia, Iran (2024) và Indonesia vào đầu năm nay.

leftcenterrightdel
 Tổng thống nước chủ nhà Brazil Luiz Inacio Lula da Silva phát biểu tại phiên khai mạc. Ảnh: Aljazeera.

Belarus, Bolivia, Cuba, Kazakhstan, Malaysia, Nigeria, Thái Lan, Uganda, Uzbekistan và Việt Nam nhận quy chế đối tác của BRICS.

Brazil xác nhận, Việt Nam đã trở thành nước đối tác thứ 10 của nhóm BRICS cùng với 9 nước kể trên.

Các nước BRICS hiện chiếm hơn một nửa dân số thế giới và 40% sản lượng kinh tế toàn cầu.

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Brazil Lula da Silva, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Phạm Minh Chính bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS. Nguồn: Narendramodi.

Quy chế “nước đối tác” được thiết lập tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS XVI ở Kazan, Nga tháng 10/2024, dành cho các quốc gia chưa phải thành viên chính thức của BRICS nhưng vẫn nhận được sự ủng hộ từ các nước thành viên.

Các nước “Đối tác” sẽ được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo BRICS và tham dự các cuộc thảo luận khác nếu có sự đồng thuận từ các quốc gia thành viên.

Văn Phong/Sputnik, Aljazeera