Đây cũng là những bang quan trọng có khả năng quyết định việc đảng Cộng hòa có thể duy trì được quyền kiểm soát tại Quốc hội lưỡng viện sau "ngày phát xét" 6/11 hay không.
Thế kiểm soát ở cả hai viện Quốc hội Mỹ, hiện tại do đảng Cộng hòa nắm giữ, cũng như 36 ghế thống đốc bang cùng hàng nghìn ghế trong các cơ quan lập pháp cấp bang trên toàn nước Mỹ sẽ được quyết định khi cử tri Mỹ đi bỏ phiếu ngày 6/11.
Đây được xem là thước đo sự ủng hộ của cử tri đối với đảng Cộng hòa nói chung và chính quyền của Tổng thống Trump nói riêng sau gần hai năm tỷ phú này bước chân vào Nhà Trắng.
|
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc vận động bầu cử ở Houston, ngày 22/10/2018. Ảnh: THX/TTXVN |
Phát biểu trước cử tri tại các điểm dừng chân trong ngày vận động tranh cử 5/11, nhấn mạnh vào các thành quả kinh tế nước Mỹ đạt được trong hai năm qua dưới sự lãnh đạo cảu đảng Cộng hòa, Tổng thống Trump cảnh báo: "Mọi thứ chúng ta đã tạo ra và những thành quả đang được đặt cược với ngày bầu cử này. Nếu những người thuộc đảng Dân chủ cấp tiến nắm quyền lực, họ sẽ quăng một quả cầu phá bêtông vào nền kinh tế của chúng ta và vào tương lai của chúng ta".
Ông tuyên bố các cử tri sẽ phải lựa chọn giữa một bên là sự lãnh đạo của đảng Cộng hòa với một nền kinh tế bùng nổ và một bên là đảng Dân chủ theo đường lối mà ông gọi là thiên tả.
Tổng thống Trump cũng đánh vào tâm lý lo ngại người nhập cư bất hợp pháp của một bộ phận không nhỏ cử tri Mỹ khi nhấn mạnh tới các biện pháp mạnh mẽ của chính quyền trong kiểm soát dòng người di cư từ các nước Trung Mỹ đổ dồn về Mexico để tìm đường vào nước Mỹ. Ông cho rằng trong tình huống này, một chính quyền của đảng Dân chủ có thể sẽ biến nước Mỹ thành một hố đen của tội phạm và ma túy.
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn đài truyền hình Sinclair, một trong những nhà khai thác truyền hình lớn nhất nước Mỹ, khi được hỏi có bất cứ điều gì ông lấy làm tiếc trong hai năm đầu nhiệm kỳ của mình hay không, Tổng thống Trump trả lời: "Tôi muốn nói đó là giọng điệu của mình. Tôi đã ước bản thân có thể dịu giọng hơn. Tuy nhiên, tôi cảm thấy chắc chắn tôi không còn lựa chọn nào khác".
Một số nhà phân tích cho rằng những động thái hiện tại của Tổng thống Trump cho thấy chính khách - doanh nhân này có vẻ đang khá lo lắng về thế kiểm soát tại Quốc hội của đảng Cộng hòa.
Trong trường hợp đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện như theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, chắc chắn các chính sách điều hành đất nước của tổng thống Cộng hòa sẽ bị tác động.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, tình hình nước Mỹ trước bầu cử dường như đang mang lại một số lợi thế cho đảng Cộng hòa. Nền kinh tế Mỹ phát triển khá tốt dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Trump.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 2 quý gần đây nhất tăng trưởng ở mức 4,2% và 3,5%, tỷ lệ thất nghiệp công bố ngày 15/10 giảm còn 3,7% (thấp nhất từ tháng 12/1969), 3,9 triệu người Mỹ tìm được việc làm kể từ khi ông Trump lên cầm quyền, lòng tin của người tiêu dùng Mỹ đang ở mức cao nhất trong 18 năm, lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ đang tiến gần ngưỡng kỷ lục, Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED) liên tục tăng lãi suất dựa trên các đánh giá lạc quan về sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ...
Các chính sách của ông Trump như cắt giảm thuế và nới lỏng các quy chế giám sát, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng và chi tiêu quân sự, đã thực sự phát huy tác dụng theo hướng tích cực, tạo ra một cú sốc nguồn cung đối với nền kinh tế vốn dĩ ảm đạm trước đó.
Các kết quả kinh tế tích cực cùng với các chính sách thương mại cứng rắn với mục tiêu giảm thâm hụt và đưa nền sản xuất quay lại nước Mỹ đã củng cố hy vọng của đảng này trong cuộc chiến nhằm giữ vững quyền kiểm soát hai viện Quốc hội. Tất cả những yếu tố tích cực này đã hậu thuẫn cho chiến dịch vận động tranh cử của đảng Cộng hòa, góp phần tác động tâm lý cử tri khi bỏ phiếu.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những yếu tố bất lợi cho đảng cầm quyền. Các nghị sĩ của đảng này đã chọn nghỉ hưu với số lượng cao bất thường, trong số đó có Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan. Mặc dù phe Cộng hòa kiểm soát cả Nhà Trắng và Đồi Capital, nhưng quốc hội hiện tại đã chứng kiến nhiều kịch tính, với nhiều lần bỏ phiếu sít sao một cách bất ngờ.
Các sáng kiến lập pháp lớn như dự luật cải cách y tế, đã thất bại; thậm chí một biện pháp cắt giảm thuế cũng chỉ được thông qua nhờ chênh lệch một vài phiếu bầu, chính quyền và quốc hội nhiều lần phải thỏa hiệp vào phút chót trong vấn đề ngân sách để tránh nguy cơ đóng cửa chính phủ.
Ít ngày trước bầu cử, nước Mỹ đã bị chấn động khi hàng loạt bom thư gửi đến các nhân vật nổi tiếng của đảng Dân chủ, rồi tiếp đó là vụ xả súng kinh hoàng trong một nhà thờ Do Thái làm 11 người thiệt mạng. Dư luận cho rằng cuộc bầu cử giữa kỳ lần này đang khiến nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc chưa từng có khi chính phong cách của Tổng thống Trump đã góp phần khơi dậy bạo lực chính trị.
Thanh Phương (TTXVN)