Mười tám người đã thiệt mạng và 243 người bị thương sau khi tình trạng bạo loạn xảy ra ở vùng lãnh thổ tự trị Karakalpakstan, tây bắc Uzbekistan vào tuần trước, các nhà chức trách Uzbekistan cho biết hôm 4/7, làn sóng bạo lực tồi tệ nhất ở quốc gia Trung Á trong vòng 17 năm.

Xung đột đã nổ ra giữa lực lượng thực thi pháp luật và những người biểu tình ở Karakalpakstan phản đối kế hoạch sửa đổi hiến pháp của chính quyền trung ương.

leftcenterrightdel
 Biểu tình xảy ra tại Nukus, thủ phủ vùng tự trị Karakalpakstan, Uzbekistan ngày 1/7. Nguồn: ST.org/ rferl.

Theo hiến pháp, Cộng hòa tự trị Karakalpakstan có chủ quyền và có quyền ly khai khỏi Cộng hòa Uzbekistan trên cơ sở một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc do người dân Karakalpakstan tổ chức. Tuy nhiên, dự thảo hiến pháp mới không đề cập đến tư cách chủ quyền và quyền ly khai của Karakalpakstan.

Lực lượng an ninh đã bắt giữ 516 người trong các cuộc biểu tình ở Karakalpakstan.

Hôm 2/7, Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev đã từ bỏ kế hoạch sửa đổi các điều khoản của hiến pháp liên quan đến chủ quyền của Karakalpakstan và quyền ly khai của lãnh thổ tự trị này. Ông cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng ở Karakalpakstan từ 3/7 đến 2/8.

leftcenterrightdel
 Một chiếc xe tải bị đốt cháy trong cuộc biểu tình ở Nukus, Karakalpakstan ngày 3/7. Ảnh: Kun.uz/Reuters.

Nhiều người trong số 516 người bị bắt cũng đã được thả, theo thông báo của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Uzbekistan.

Các báo cáo chính thức cho biết, những người biểu tình đã tuần hành ở Nukus, thủ phủ của Karakalpakstan vào ngày 1/7, cố gắng chiếm các tòa nhà chính quyền địa phương.

Theo văn phòng Tổng công tố, 18 người đã thiệt mạng vì những vết thương nghiêm trọng trong các cuộc đụng độ. 

leftcenterrightdel
 Lực lượng an ninh Uzbekistan ở Nukus, thủ phủ vùng tự trị Karakalpakstan, Uzbekistan vào ngày 3/7. Ảnh: Kun.uz/Reuters.

Lực lượng Vệ binh Quốc gia Uzbekistan, cho biết, số người thiệt mạng bao gồm 14 dân thường và 4 nhân viên thực thi pháp luật. Trong khi một số thông tin nói, con số này thực tế có thể lớn hơn.

Karakalpakstan có diện tích 164.900 km2, nằm trên bờ Biển Aral, chủ yếu là nơi sinh sống của người Karakalpaks, một nhóm dân tộc thiểu số có ngôn ngữ khác biệt với tiếng Uzbekistan.

Phát biểu về tình hình ở Uzbekistan, hôm 4/7, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Moscow hoan nghênh các biện pháp được thực hiện ở Uzbekistan nhằm bình thường hóa tình hình.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev gặp gỡ người dân địa phương ở Nukus, vùng tự trị Karakalpakstan, Uzbekistan ngày 3/7. Nguồn: Văn phòng báo chí Tổng thống Uzbekistan/Reuters.

Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết, đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Uzbekistan, quốc gia thân thiện với Moscow.

Cùng ngày 4/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với truyền thông, các sự kiện ở khu vực Karakalpakstan là chuyện nội bộ của Uzbekistan.

“Uzbekistan là đồng minh của Nga, một quốc gia thân thiện và là một đối tác rất quan trọng đối với chúng tôi. Mọi chuyện xảy ra ở Uzbekistan đều là chuyện nội bộ của nước này.”, ông Peskov nói, nhấn mạnh, Nga chắc tin tưởng rằng tất cả các vấn đề hiện tại sẽ được giải quyết thông qua những nỗ lực tích cực của ban lãnh đạo Uzbekistan.

Văn Phong/CNN, TASS