Nhiều quốc gia trong khối Liên minh châu Âu (EU) đã xử phạt rất nghiêm khắc các trường hợp vi phạm quy định chống dịch tại nơi công cộng. Tại Đức, quốc gia này phạt cao nhất lên tới 5.000 euro (khoảng 5.900 USD/hơn 135 triệu VNĐ) đối với những vi phạm COVID-19: cụ thể ở bang Berlin, những người không giữ khoảng cách tối thiểu 1,5 mét và bị các cơ quan hữu quan phát hiện, sẽ bị phạt từ 100 euro đến 500 euro.

Đến nơi công cộng mà không che miệng và mũi bằng khẩu trang hoặc nhiều vật dụng che chắn khác có giá từ 50 euro đến 500 euro. Những người đang phải tự cách ly tại nhà mà vẫn ra ngoài khi chưa được phép sẽ bị phạt lên đến 5.000 euro.

Đối với Thụy Sĩ, Văn phòng Y tế Công cộng Liên bang Thụy Sĩ đã tuyên bố rằng “Bất kỳ ai làm trái các biện pháp chống dịch của Chính phủ đều cấu thành hành vi phạm tội, với mức hình phạt tiền cao nhất có thể lên tới 10.000 CHF (khoảng 11.000 USD, khoảng 253 triệu VNĐ)”, cụ thể: những người tụ tập ở nơi công cộng theo nhóm trên 5 người sẽ bị phạt 50 CHF; bất kỳ ai không đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng, trong nhà ga, tại bến xe buýt hoặc xe điện hoặc ngay bên ngoài các tòa nhà công cộng hoặc những người tham gia sự kiện được tổ chức bất hợp pháp đều bị phạt với số tiền là 100 CHF…

leftcenterrightdel
 Liên minh châu Âu (EU) đã xử phạt rất nghiêm khắc các trường hợp vi phạm quy định chống dịch tại nơi công cộng.
Cơ quan chức năng của Áo xử phạt những người tái phạm với số tiền lên đến 500 euro; những người không tôn trọng quy tắc giữ khoảng cách một mét với người khác bị phạt 100 euro, trong khi những người không đeo khăn che mặt và mũi bị phạt 50 euro. Mặc dù hình phạt tiền của quốc gia này được đánh giá là nhẹ so với các quốc gia khác trong khối EU, nhưng Áo không khoan nhượng với những trường hợp vi phạm quy tắc chống COVID-19, vào đầu năm 2021, một khách du lịch đã bị bỏ tù 7 tháng vì người này đi qua một số bang của Áo mặc dù biết rõ bản thân đang bị dương tính với virus.

Nhiều quốc gia cũng đã sử dụng các biện pháp trừng phạt hình sự trong việc ứng phó với dịch bệnh, với việc ban hành các tội danh cụ thể đối với phơi nhiễm và lây truyền COVID-19. Hồi tháng 6 vừa qua, một người đàn ông sống tại thành phố Quảng Châu, Trung Quốc đã bị bắt và có thể đối mặt với các cáo buộc hình sự do vi phạm quy tắc phòng, chống dịch. Người này đến thăm cha mẹ mình – 2 trường hợp đều dương tính với virus SARS-CoV-2 ở một thành phố khác. Tuy nhiên, lại không khai báo với cơ quan y tế.

Cũng mới đây, tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, các nhà chức trách đã thông báo rằng những người được xác nhận nhiễm COVID-19 có thể phải đối mặt với các thủ tục tố tụng hình sự với tội danh “cố ý làm lây lan virus” nếu họ khạc nhổ ở nơi công cộng. Những người bị nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 nhưng từ chối cách ly cũng có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt hình sự. 

Tại Nam Phi, quốc gia này cũng đã ban hành các quy định chống dịch theo Đạo luật Quản lý thiên tai để hình sự hóa các trường hợp phơi nhiễm COVID-19 với lỗi cố ý. Ở Hoa Kỳ, Bộ Tư pháp đã thông báo rằng “những người phơi nhiễm và lây nhiễm COVID-19 có mục đích hoặc đe dọa người khác có thể bị buộc tội theo luật chống khủng bố liên bang”. Theo đuổi cách tiếp cận này, ở bang New Jersey, Tổng chưởng lý của bang đã buộc tội một người đàn ông thực hiện “lời đe dọa khủng bố” bằng cách ho vào một phụ nữ và nói với cô ấy rằng anh ta bị nhiễm COVID-19. Nếu bị kết tội, người đàn ông này sẽ phải đối mặt với án tù từ 3 đến 5 năm và bị phạt 15.000 USD.

Tại Israel, cảnh sát đã mở 86 cuộc điều tra hình sự về các vi phạm kiểm dịch. Ở Canada, Bộ trưởng Bộ Y tế gần đây đã thông báo rằng chính quyền sẽ sử dụng tất cả các quyền hạn của mình theo Đạo luật Kiểm dịch liên bang để kiểm soát dịch COVID-19, bao gồm cả hình phạt hình sự. Kể từ khi việc kiểm dịch cộng đồng được tăng cường ở Philippines được công bố vào giữa tháng 3, cảnh sát đã bắt giữ hàng trăm người với nhiều tội danh khác nhau, bao gồm cả vi phạm các biện pháp kiểm dịch và giãn cách xã hội.

leftcenterrightdel
 Trung Quốc bắt giữ người vi phạm quy định phòng, chống dịch.
Chính phủ Argentina tuyên bố rằng bất kỳ người nào không tuân theo các quy tắc bắt buộc về cách ly hoặc cách ly có thể phải đối mặt với án tù từ 6 tháng đến 2 năm. Ở Bungari, Văn phòng Công tố quận đang thụ lý ít nhất 7 trường hợp cá nhân bị cáo buộc vi phạm các quy tắc cách ly - nếu bị kết án, họ có thể bị buộc nộp phạt từ 10.000 đến 50.000 leva (khoảng 5.500 USD đến 27.600 USD), hoặc đối mặt án phạt tù đến 5 năm.

Như vậy, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, đối với các hành vi vi phạm liên quan tới phòng, chống dịch COVID-19 đều có chế tài xử lý rất nghiêm khắc, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính lên tời hàng nghìn USD thậm chí có thể bị xử lý hình sự và bị phạt tù. 

Có thể thấy rằng, so với nhiều nước trên thế giới, quy định pháp luật và thực tiễn xử lý người vi phạm các biện pháp phòng dịch của Việt Nam đã tương đối đầy đủ, gồm cả chế tài xử phạt hành chính đến xử lý hình sự. Tuy nhiên việc xử lý vẫn còn gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là chế tài còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe với các trường hợp vi phạm.

Do đó trong thời gian tới đây bên cạnh công tác tuyên truyền, phố biến thông tin liên quan đến phòng, chống dịch, cần phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật (nâng mức xử phạt chế tài hành chính, hướng dẫn cụ thể các tội danh liên quan trong Bộ luật Hình sự hiện hành), và thực tiễn thi hành phải nghiêm minh để xử lý các trường hợp vi phạm.

Các cơ quan chức năng , đặc biệt là cơ quan công an cần vào cuộc quyết liệt hơn, xử lý nghiêm những đối tượng nhập cảnh chui, tiếp tay cho nhập cảnh trái phép, các đối tượng vi phạm những quy định phòng chống dịch, làm lây lan dịch bệnh.

Bài học kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy, chỉ khi xử lý nghiêm các đối tượng trốn tránh cách y y tế, cố tình làm lây lan dịch bệnh… mới có thể ngăn chặn được sự lây lan của virus. Sự nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 là điều mà ai cũng biết, ai cũng thấy, do đó bên cạnh các biện pháp y tế, quy định của pháp luật cũng phải luôn “đồng hành” để dập được dịch trong thời gian tới đây. 

Vũ Thủy