Các nhà khoa học không khỏi bối rối trước xác ướp 2.100 tuổi được phát hiện ở Trung Quốc.

Xác ướp của Tân Truy phu nhân, vợ thừa tướng Lợi Thương sống dưới thời nhà Hán, được phát hiện bên trong một ngọn đồi ở TP Trường Sa, tỉnh Hồ Nam - Trung Quốc vào năm 1971. Một nhóm công nhân khi đào hầm trú ẩn đã phát hiện ngôi mộ của bà.

Các nhà khoa học cho biết đây là xác ướp được bảo quản tốt nhất từng được phát hiện. Làn da của Tân Truy phu nhân dù trải qua hơn 2.100 năm vẫn không bị phân hủy, thậm chí còn rất mềm mại.

Đặc biệt, cánh tay và chân bà có thể uốn cong. Thậm chí nội tạng vẫn còn nguyên vẹn cùng với tóc và lông mi. Điều khiến các nhà khoa học ngạc nhiên, đó là xác ướp vẫn chứa máu – được xác định thuộc nhóm A.

Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy lúc sinh thời, Tân Truy phu nhân bị thừa cân, đau lưng, cao huyết áp, tắc động mạch, bệnh gan, sỏi mật, tiểu đường và tổn hại nghiêm trọng ở tim. Bà được cho là qua đời ở tuổi 50 do đau tim, một phần bởi lối sống xa hoa.

 

 Xác ướp Tân Truy phu nhân. Ảnh: ALAMY
Xác ướp Tân Truy phu nhân. Ảnh: ALAMY


Các nhà khoa học tin rằng Tân Truy phu nhân là trường hợp mắc bệnh tim lâu đời nhất từng được ghi nhận. Giới khảo cổ học pháp y lúc tiến hành phân tích xác ướp đã phát hiện bữa ăn cuối cùng của Tân Truy phu nhân là một khẩu phần dưa.

Trong ngôi mộ của bà – được chôn cách mặt đất 12 m – có 100 bộ quần áo bằng lụa, 182 tác phẩm sơn mài, 162 bức tượng gỗ chạm khắc đại diện cho 162 gia nhân, đồ trang điểm và vật dụng cá nhân.

Xác ướp của Tân Truy phu nhân được bọc trong 20 lớp lụa, ngâm trong một chất lỏng hơi có tính axit và đặt trong 4 cỗ quan tài lồng vào nhau. Tất cả quan tài sau đó được lèn chặt bằng 5 tấn than đá cùng đất sét. Nhờ vậy, nước không thể ngấm vào xác ướp nên vi khuẩn không thể xâm nhập.

Tuy nhiên, phương thức bảo quản xác ướp của người Trung Quốc cổ đại vẫn là một bí mật chưa có lời giải đáp.

 

Theo P.Nghĩa/Người lao động

.