BVPL - Trong suốt nhiều thế kỷ qua, có vô số truyền thuyết về những thây ma sống lại. Tuy nhiên, tới năm 1980, chỉ có một số rất ít trường hợp trong đời thực được ghi lại.
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1962 tại Haiti, một người đàn ông tên là Clairvius Narcisse được anh trai bán cho một sư phụ về xác chết sống và khi được đem chôn thì nhân vật này lại được dựng dậy một cách bí mật. Clairvius, lúc đó trở thành một nô lệ, đã phải làm việc ở nông trường mía đường cùng nhiều thây ma sống lại khác.
|
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Năm 1964, sư phụ của Clairvius qua đời và người đàn ông này đã lang thang khắp đảo trong tình trạng mê mụ thần kinh suốt 16 năm tiếp theo. Những loại thuốc khiến Clairvius bị loạn thần kinh dần phai đi.
Năm 1980, kẻ sống dở chết dở này ngẫu nhiên đi qua người chị gái bị thất lạc từ lâu tại một khu chợ và nhận ra người thân. Chị gái Clairvius không nhận ra em nhưng người đàn ông này tự xưng tên và kể lại cho chị gái nghe những ký ức thời thơ ấu mà chỉ mình Clairvius mới biết.
Các nhà khoa học nghiên cứu văn hóa tại Indonesia cho biết, đã có vô số những chuyện kể về người chết được hồi sinh và trở thành thây ma sống nhờ các phù thủy được gọi là Dodo. Sau khi trở thành "xác chết hoàn trần" từ phương pháp trên, những thây ma đó sẽ không nhận thức được mọi việc xung quanh và cũng không đặc biệt nguy hiểm, trừ phi họ được cho ăn muối và nhọ nồi để phục hồi tri giác (!?). Không chỉ xuất hiện từ thế kỷ 17, 18, mà đầu thế kỷ 20, câu chuyện về người đàn ông có tên là Bambang sống tại làng Toraja đã làm giới khoa học thế giới phải "rùng mình". Một số tài liệu ghi lại, vào năm 1930, một người đàn ông lạ mặt bỗng nhiên xuất hiện tại ngôi làng này và tự xưng tên là Bambang. Theo người đàn ông này kể lại thì ông ta đã qua đời do dịch bệnh từ… 20 năm trước. Bambang mô tả là mình có ý thức, nhưng bị liệt người khi bị coi là đã chết. Thậm chí ông còn nhìn thấy người ta chụp vải lên mặt mình. Bambang tuyên bố mình được một thầy phù thủy làm hồi sinh rồi biến thành thây ma sống và đang tìm cách trở về “đoàn tụ” cũng gia đình.
Sau khi tìm hiểu lại thông tin về bệnh tình và cái chết của Bambang gần 20 năm trước, các nhà khoa học đã xem trường hợp của người đàn ông này là một bằng chứng tiềm tàng về thây ma sống dậy của Indonesia. Người ta đã đặt ra cho Bambang rất nhiều câu hỏi về gia đình và tuổi thơ ấu của ông. Cuối cùng, gia đình Bambang và những người quan sát bên ngoài đã công nhận ông là một thây ma hồi sinh để tìm gặp người thân. Trường hợp của Bambang được ghi nhận là trường hợp đầu tiên về thây ma sống có ý thức và không bị chết nếu như ai đó chỉ thẳng vào mặt ông ta. Có điều Bambang chỉ sống được thêm 3 tháng sau khi đoàn tụ với người thân.
Thây ma sống là gì?
Theo nghi lễ của người dân làng Toraja, thuộc Indonesia, mỗi người khi chết đi đều biến thành một thây ma di động. Dường như, người làng Toraja có khả năng giúp xác chết vẫn có thể đi lại được như bình thường. Đây hoàn toàn là thực tế, chứ không phải là câu chuyện nói nghĩa bóng, ẩn ý…
|
Thây ma sống dậy - Nguồn: Internet |
Chữ Zombie bắt nguồn trong ngôn ngữ của Ấn Độ, được ghép từ hai chữ "jumbie", có nghĩa là thây ma và "nzambi", có nghĩa là linh hồn người chết. Sau khi những chuyện kể về Zombie được truyền vào quốc gia vạn đảo Indonesia thì cái tên này không được dùng nữa. Tuy nhiên, những nghi lễ ma chay, của dân địa phương đặc biệt là phương cách giúp thi thể người chết đi lại bình thường thì vẫn "thấp thoáng" hình ảnh tương tự như Zombie. Tìm hiểu về các nghi lễ ma chay của người làng Toraja, có thể nhận thấy có thể giải thích việc làm thế nào để xác chết vẫn có thể đi lại. Đó là quan niệm người sinh ở nơi nào khi chết phải chôn ở nơi đó. Vì vậy dù chết ở nơi nào người ta cũng phải đưa thi hài về quê hương và người ta bằng mọi giá để đưa về. Do đó, ở thời kỳ này, chuyện những xác chết đứng dậy và đi lại dưới sự nâng đỡ của người thân đã trở nên quen thuộc trong mỗi đám tang. Tất nhiên, thi thể đã ngừng thở thì không biểu lộ bất kỳ cảm xúc gì, ngoại trừ khuôn mặt nhợt nhạt. Người ta cũng truyền tai nhau rằng, nếu một ai đó chỉ trực tiếp vào xác chết thì xác chết sẽ sụp xuống và không thể tiếp tục hành trình trở về làng.
Lý giải thứ hai về xác chết di động Toraja còn rùng rợn hơn rất nhiều. Có nhiều gia đình không có tiền để làm đám ma, vì vậy, theo phong tục gia đình phải để người chết nằm trong nhà có khi vài năm. Khi quan tài chính thức được chuẩn bị xong, nghĩa là tiệc chiêu đãi đã diễn ra, thây ma sẽ đứng bật dậy từ quan tài tạm để bước vào quan tài chính thức. Mới nghe qua câu chuyện này có thể khó tin, nhưng phong tục này vẫn tiếp tục tồn tại hàng ngàn đời nay ở ngôi làng Toraja. Thậm chí, theo người dân sống lâu năm tại đây, thì có thời kỳ dân làng chết nhiều quá, khiến cho hàng đêm những thây ma đó cứ "đi dạo" quanh làng, người lạ mặt không hiểu rõ chuyện nếu gặp phải chắc sẽ chết ngất.
“Chế tạo” thây ma sống
Dù chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy những thây ma người có tồn tại, nhưng trên thực tế, Zombie lại tồn tại khá phổ biến trong vương quốc động vật. Một nghiên cứu gần đây tại rừng nhiệt đới Thái Lan cho thấy, một loại nấm ký sinh thuộc họ Ophiocordyceps đã xâm nhập vào đầu của kiến và tùy ý điều khiển hành động của kiến. Những con kiến bị sai khiến đi lang thang trong trạng thái say xỉn, vượt qua tầng lá thấp và cắn lá ngấu nghiến bất cứ khi nào nấm ra lệnh.
Trở lại câu chuyện xảy ra tại ngôi làng Toraja, nhiều nhà khoa học đã kết luận rằng các phù thủy ở đây đã dùng một hỗn hợp chất lỏng được chiết xuất từ cá nóc, nhện độc, bọ cạp,… Được biết hỗn hợp này là chất kịch độc thần kinh, gây tử vong cao, chất này được cho cũng tồn tại ở da và nội tạng của con sa giông, kỳ nhông, bạch tuộc vòng xanh, cóc... Mặc dù, là loại kịch độc đối với người sống, nhưng với những người "đã chết" thì tạp chất này lại kích thích hệ thần kinh của con người "hoạt động" một cách vô thức như cái máy. Đối với các thầy phù thủy tại Toraja, nắm biết được hỗn hợp này là loại chất cực độc, tuy nhiên với sự tìm tòi tài tình, họ đã kết hợp khéo léo chất này với nhiều loại chất khác để nó có thể khiến một người tưởng như đã chết nhưng lại có thể sống trở lại trong trạng thái vô thức một khoảng thời gian nhất định.
Về các thây ma sống ở Haiti, năm 1980.
Wade Davis, một chuyên gia trong lĩnh vực dân tộc thực vật học (ethnobotany) thuộc Đại học Havard, tuyên bố đã phát hiện một chất “bột thây ma sống” bí hiểm trong lúc làm việc ngoài đồng ở Haiti. Hoạt chất chính được xác định là một chất độc thần kinh, có thể được sử dụng để đầu độc, đẩy nạn nhân vào trạng thái giống như thây ma sống.
Nhưng các nhà khoa học vẫn nghi ngờ
Khi các nhà dân tộc học đưa các điều tra về hai cách tạo ra các thây ma sông ở Haiti và ở Indonesia đã tạo ra những cuộc tranh luận.
Mặc dù, đã đưa ra được lời lý giải khá thuyết phục nhưng các giả thuyết trên vẫn chưa thực sự thuyết phục được nhiều người, đã có người tìm ra được lỗ hổng trong các nghiên cứu trên. Nhà tâm lý học, nhân chủng học Butiah đến từ Đại học tổng hợp Jakarta đã không đồng ý với kết luận trên khi cho rằng các phù thủy ở Toraja có khả năng giữ trạng thái vô hồn của một người trong thời gian nhiều năm liền mà không phải chỉ có vài ngày, bởi có trường hợp phải chờ đợi nhiều năm trời tới khi người thân có đủ điều kiện lo cho một đám tang xứng tầm thì thây ma mới "được phép" sống lại. Hơn nữa ông Butiah cũng cho biết, trạng thái dùng chất kích thích hệ thần kinh thực vật không giống như hiện tượng Zombie mà thế giới đã từng biết đến. Còn ở Haiiti lượng chất độc thần kinh tìm thấy trong những mẫu bột lạ của ông Davis không đồng nhất với nhau và không đủ cao để gây ra các hiệu ứng thây ma sống.
Mặc dù về lý thuyết, “bột thây ma sống” có thể phát tác trong những điều kiện lý tưởng cụ thể, nhưng trong đời thực, rất khó để dùng thứ bột này tạo thành một “thây ma sống”. Dùng quá ít chất độc chỉ có thể gây ra các ảnh hưởng tạm thời, trong khi sử dụng quá nhiều có thể dễ dàng gây tử vong cho nạn nhân.
Vậy là, cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù chưa có một kết luận chính thức về loại thuốc hay phương cách giúp những thây ma ở Toraja sống lại trong một khoảng thời gian nhất định. Nhưng chủ đề về loại người này vẫn luôn là một đề tài thú vị để không chỉ các nhà khoa học Indonesia mà ngay cả các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu. Biết đâu đó, đến một ngày người ta tìm ra được phương cách này và áp dụng vào cuộc sống hiện đại để kéo dài tuổi thọ của con người, hay chí ít cũng là để giải đáp cho một câu hỏi bí ẩn tồn tại cả nghìn năm qua…
Văn Liên