Đại học Kyoto, Nhật Bản đang hợp tác với Công ty lâm nghiệp Sumitomo Forestry để phát triển một vệ tinh bằng gỗ trong nỗ lực giảm thiểu rác không gian.

Chương trình xuất phát từ ý tưởng thiết bị làm bằng gỗ có thể đốt cháy một cách dễ dàng và an toàn khi rơi vào bầu khí quyển, từ đó giảm thiểu lượng rác không gian.

Theo kế hoạch, vệ tinh sẽ được đưa lên quỹ đạo Trái đất vào năm 2023.

leftcenterrightdel
Hàng trăm ngàn mảnh vụn từ xác vệ tinh đang bay quanh Trái đất là một mối nguy hại đối với môi trường. Ảnh: Getty/Businessinsider.

Rác không gian ngày càng là mối quan tâm của các chuyên gia, những người cảnh báo nó gây ra mối nguy hiểm đối với môi trường.

Giáo sư Takao Doi thuộc Đại học Kyoto và là phi hành gia Nhật Bản, nói với báo chí, lợi thế của vệ tinh bằng gỗ là nếu nó rơi ra khỏi quỹ đạo và bốc cháy khi quay lại bầu khí quyển Trái đất, nó sẽ không giải phóng nhiều mảnh vụn nguy hại như vệ tinh kim loại.

“Chúng tôi rất lo ngại về thực tế là các vệ tinh khi rơi trở lại Trái đất đều bốc cháy và tạo ra các hạt alumin nhỏ trôi nổi trong tầng cao của bầu khí quyển trong nhiều năm, ảnh hưởng đến môi trường.", Giáo sư Takao Doi nói.

Theo Cơ quan Vũ trụ Mỹ NASA, hơn 500.000 mảnh vụn rác không gian đang quay quanh Trái đất. Với việc di chuyển với tốc độ cao, một mảnh vụ tương đối nhỏ đủ để làm hỏng vệ tinh hoặc tàu vũ trụ, bao gồm cả Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS.

Huy Anh/Businessinsider