Hôm 14/3, trong buổi phát sóng trực tuyến về chuyến bay, các nhà bình luận của SpaceX cho biết trạm điều khiển sứ mệnh mặt đất đã mất liên lạc với Starship khi phi thuyền đang quay trở lại bầu khí quyển Trái đất với tốc độ siêu thanh.

Vào thời điểm đó, tàu vũ trụ sắp hạ cánh theo kế hoạch ở Ấn Độ Dương, khoảng một giờ sau khi phóng.

Liên lạc với Starship bị ngắt ngay sau khi hình ảnh trực tiếp từ camera gắn trên phi thuyền cho thấy ánh sáng đỏ rực bao trùm phi thuyền do sức nóng ma sát khi nó tái nhập khí quyển trong khi lao xuống Trái đất.

leftcenterrightdel
 Phi thuyền Starship gắn trên tên lửa đẩy khổng lồ Super Heavy. Ảnh: Reuters / Cheney Orr.

Ít phút sau, SpaceX xác nhận tàu vũ trụ đã biến mất, bị thiêu cháy hoặc vỡ vụn trong quá trình quay trở lại bầu khí quyển.

Tuy nhiên, việc hoàn thành nhiều mục tiêu bay dự kiến của Starship trong lần thử nghiệm này cho thấy sự tiến bộ trong việc phát triển tàu vũ trụ, điều cốt yếu đối với hoạt động phóng vệ tinh thương mại đang phát triển của SpaceX, do Elon Musk thành lập năm 2002 cũng như chương trình Mặt trăng của NASA.

Ông Bill Nelson, Giám đốc Cơ quan vũ trụ Mỹ NASA, đối tác và khách hàng lớn nhất của SpaceX, đã chúc mừng “chuyến bay thử nghiệm thành công” của SpaceX.

leftcenterrightdel
 Tàu vũ trụ Starship cất cánh từ sân bay vũ trụ Starbase ở Boca Chica, bang Texas, Mỹ ngày 14/3. Ảnh: Reuters/ Joe Skipper.

Trong khi Chủ tịch SpaceX Gwynne Shotwell mô tả cuộc thử nghiệm đánh dấu một ngày đầy bất ngờ.

Tàu vũ trụ- tên lửa 2 tầng, bao gồm tầng trên (phi thuyền Starship) gắn trên đỉnh tầng dưới (tên lửa đẩy siêu nặng Super Heavy) có tổng chiều cao 120m, đã được phóng từ sân bay vũ trụ Starbase trên bờ biển vùng Vịnh Mexico của SpaceX ở Boca Chica, bang Texas. 

Lần thử này, tầng trên của tàu vũ trụ Starship đã đạt tới độ cao 234 km, lớn nhất trong các lần thử nghiệm.

leftcenterrightdel
 Phi thuyền-tên lửa Starship cất cánh thành công. Nguồn: SpaceX.

Con tàu đã vượt xa độ cao 2 lần thử nghiệm trước đó, cả 2 đều dừng đột ngột do vụ nổ vài phút sau khi phóng. 

SpaceX đã thực hiện lần phóng thử đầu tiên của tàu vũ trụ thế hệ mới Starship vào ngày 20/4/2023.

Chưa đầy 4 phút sau khi phóng lên, tầng trên của Starship không thể tách khỏi tên lửa đẩy Super Heavy ở tầng dưới như thiết kế, và hệ thống phi thuyền-tên lửa tích hợp bắt đầu lộn nhào trước khi nổ tung, đạt độ cao tối đa gần 32 km.

leftcenterrightdel
 Tàu vũ trụ Starship cất cánh thành công. Ảnh: @elonmusk.

Việc lần đầu tiên đưa phi thuyền-tên lửa đẩy Starship lên khỏi mặt đất đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tham vọng đưa con người trở lại Mặt trăng và hướng tới sao Hỏa của SpaceX, với tư cách là một đối tác chính trong chương trình Artemis đưa con người vào vũ trụ của NASA.

Trong lần thử nghiệm thứ 2 diễn ra ngày 18/11/2023, tên lửa đẩy siêu nặng Super Heavy (tầng dưới) hoạt động với toàn bộ 33 động cơ Raptor, đã tách thành công khỏi tầng trên (phi thuyền Starship) ở thời điểm 2 phút 48 giây sau khi phóng và Starship tiếp tục bay lên, tuy nhiên nó đã phát nổ phía trên vịnh Mexico ở thời điểm 3 phút 21 giây của hành trình.

leftcenterrightdel
 Tên lửa đẩy Super Heavy tách thành công khỏi phi thuyền Starship / SpaceX.

Phi thuyền Starship (tầng trên) đã khởi động 6 động cơ của riêng nó để tiếp tục hành trình vào không gian. Ở thời điểm 8 phút 05 giây của hành trình, phi thuyền Starship mất liên lạc và cơ chế tự hủy được kích hoạt khiến nó phát nổ khi đạt đến độ cao khoảng hơn 148 km so với bề mặt Trái đất, chạm tới rìa không gian.

SpaceX cho biết hãng có kế hoạch thực hiện ít nhất 6 chuyến bay thử nghiệm nữa đối với Starship trong năm nay, tùy thuộc vào sự cấp phép của cơ quan quản lý.

leftcenterrightdel
 Tàu vũ trụ Starship thế hệ tiếp theo của SpaceX, trên tên lửa siêu nặng Super Heavy mạnh mẽ, tiến vào không gian trong lần phóng thử thứ ba, ngày 14/3. Ảnh: Reuters/Cheney Orr.

Công ty được yêu cầu xác định rõ từng thất bại trong nhiệm vụ thử nghiệm và đưa ra các giải pháp khắc phục cho Cục Hàng không liên bang Mỹ FAA, để cơ quan này phê duyệt trước khi phương tiện có thể bay trở lại.

Cuộc thử nghiệm hôm 14/3 là một phần các cuộc thử nghiệm và nhiệm vụ còn lại mà phương tiện này phải vượt qua, trước khi được chứng minh là đủ an toàn để đưa con người lên vũ trụ.

leftcenterrightdel
 Phi thuyền Starship quay trở lại bầu khí quyển Trái đất. Nguồn: SpaceX

Một quy trình thử nghiệm đầy đủ bao gồm các giai đoạn: tàu vũ trụ-tên lửa Starship được phóng vào không gian, tên lửa đẩy Super Heavy tách phi thuyền Starship và phi thuyền này khởi động động cơ riêng tiếp tục hành trình vào không gian. Cuối cùng, cả 2 độc lập tái nhập bầu khí quyển quay trở lại trái đất.

Tỉ phú Elon Musk trông cậy vào Starship để hoàn thành mục tiêu sản xuất một tàu vũ trụ lớn tái sử dụng thế hệ tiếp theo, có khả năng đưa con người và hàng hóa lên Mặt trăng vào cuối thập kỷ này và tiếp theo là bay tới sao Hỏa.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh tổng hợp về hoạt động thử nghiệm tàu vũ trụ Starship/@elonmusk.

Musk tuyên bố, ông thành lập SpaceX với ý tưởng và giấc mơ tạo ra cuộc sống đa hành tinh, trong đó hình thành các khu định cư của con người trên Mặt trăng và sao Hỏa trong tương lai.

NASA cũng phụ thuộc rất nhiều vào mức độ thành công của Starship, vốn đóng vai trò trung tâm trong chương trình Artemis, đưa con người trở lại Mặt trăng.

Văn Phong (theo Reuters)