leftcenterrightdel
Jerome Hamon - người đầu tiên trên thế giới trải qua hai lần phẫu thuật cấy ghép mặt. Ảnh: AFP/Getty Images 

Anh Jérôme Hamon – người có những khối u lớn nhỏ làm khuôn mặt biến dạng – đã thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép đầu tiên vào năm 2010. Tuy nhiên, cơ thể anh đã không “chấp nhận” khuôn mặt mới khiến nó sau này phải bị “gỡ ra”.

Hiện Jérôme Hamon đang điều trị tại một bệnh viện ở thủ đô Paris, 3 tháng sau khi anh được làm phẫu thuật lần hai do Giáo sư y khoa Laurent Lantieri thực hiện. Ông cũng là người bác sĩ chịu trách nhiệm phẫu thuật lần đầu cho Hamon.

Khuôn mặt mới của Hamon vẫn còn mềm và không thể diễn tả cảm xúc. Hộp sọ, da và các đặc điểm trên khuôn mặt chưa được hồi phục hoàn toàn. Quá trình này phụ thuộc vào tác dụng của thuốc ức chế miễn dịch – một loại thuộc hi vọng sẽ ngăn không cho cơ thể của Hamon đào thải “khuôn mặt” mới.

Tiếp xúc với phóng viên, Hamon chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất tốt. Tôi không thể chờ đến lúc mọi thứ này biến mất”.

leftcenterrightdel
 Ba khuôn mặt của bệnh nhân Jérôme Hamon. Ảnh: AFP/Getty Images 

Trước đây, Hamon được chẩn đoán mắc chứng bệnh u sợi thần kinh loại 1. Bệnh này là một rối loạn di truyền phá vỡ sự tăng trưởng của tế bào trong hệ thống thần kinh, gây ra các khối u hình thành trên mô thần kinh. Nhiều dạng u khác nhau phát triển bên trong và dưới da. Những khối u lớn có thể biến dạng hoặc biến chứng thành khối u ác tính.

Ca phẫu thuật cấy ghép mặt đầu tiên của Hamon vào  năm 2010 có kết quả thành công. Tuy nhiên trong cùng năm đó, để chữa cảm cúm, Hamon đã uống một loại kháng sinh dường như không tương thích với việc điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch mà anh vẫn uống.

Đến năm 2016, khuôn mặt của Hamon bắt đầu có những dấu hiệu cho thấy quá trình đào thải, và “chết dần”, buộc bác sĩ Lantieri phải gỡ bỏ nó.

Bác sĩ Lantieri miêu tả trạng thái lúc đó của Hamon không có mặt giống như một “xác sống”. Anh không có mí mắt, có tai, có da, thậm chí không thể nói hoặc ăn uống. Việc nghe người khác nói cũng là một điều khó khăn. Hamon chỉ có thể bộc lộ bản thân qua việc di chuyển nhẹ cả đầu và viết được một ít.

leftcenterrightdel
Hamon được chẩn đoán mắc chứng bệnh u sợi thần kinh loại 1. AFP/Getty Images 

Hamon ở trong bệnh viện suốt 2 tháng mà không có mặt, chờ cho đến khi có người hiến tặng phù hợp. Cuối cùng, khi có khuôn mặt thích hợp, bác sĩ Lantieri cùng đội ngũ của mình đã tiến hành ca phẫu thuật cấy ghép lần hai cho Hamon vào tháng 1.

Trước khi tiến hành phẫu thuật lần hai, các bác sĩ mất một tháng để thay máu trong cơ thể Hamon, để loại bỏ hoàn toàn các kháng thể có vấn đề từ đợt chữa trị lần trước.

“Đối với một người trải qua mọi việc này, giống như trải qua một cuộc chiến tranh hạt nhân vậy, anh ấy đang rất ổn”, bác sĩ Lantieri cho biết.

Khuôn mặt đầu tiên cấy ghép cho Hamon là của một người 60 tuổi, nhưng với khuôn mặt thứ hai, Hamon cho biết anh được trẻ đi vài chục tuổi.

“Tôi 43 tuổi. Người hiến tặng mới 22. Có nghĩa là tôi trông trẻ hơn 20 tuổi”, Hamon vui vẻ nói đùa.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên thế giới mới chỉ có 40 ca ghép mặt, kể từ lần phẫu thuật đầu tiên được thực hiện trên bệnh nhân Isabelle Dinoire vào năm 2005. Cô bị mất mũi, miệng, cằm và một phần má sau khi bị chó cắn.

Trang Anh/Báo Tin tức