Công nghệ mới triển vọng

Động cơ MGTD-125E của máy bay không người lái phản lực Dan-M sản xuất bằng công nghệ in 3D đã được Quỹ nghiên cứu tiên tiến Nga (FPI) thử nghiệm thành công. Đây là một chương trình thử nghiệm trong khuôn khổ của dự án Tental.

Mục tiêu lớn hơn của FPI là chế tạo động cơ tên lửa hành trình tái sử dụng đầu tiên của nước này mang tên Krylo-SV bằng công nghệ in 3D, Phó Tổng Giám đốc FPI Alexander Panfilov tiết lộ với Sputnik.

Dự án tên lửa Krylo-SV đã bắt đầu từ vài năm trước, và vào tháng 2/2020, hội đồng khoa học và kỹ thuật FPI, đã quyết định bắt đầu phát triển một mô hình bay trình diễn được lên kế hoạch thử nghiệm bay vào đầu năm 2023.

Krylo-SV là giai đoạn hành trình có thể tái sử dụng dành cho tên lửa hạng nhẹ, dài 6m, đường kính 0,8m. Mẫu trình diễn của tên lửa sẽ có kích thước bằng một phần ba so với bản gốc. Tên lửa sẽ di chuyển với tốc độ siêu thanh lên đến Mach 6.

leftcenterrightdel
Mô hình tên lửa tái sử dụng đầu tiên của Nga Krylo-SV. Ảnh: Russian Foundation For Advanced Projects. 

Một động cơ tên lửa mới được gọi là "Vihr-Cơn lốc" đang được phát triển dành riêng cho tên lửa này. Sau khi giai đoạn thứ hai tách ra và tiếp tục chuyến bay, giai đoạn đầu tiên có thể tái sử dụng sẽ quay trở lại sân bay vũ trụ nhờ cánh của nó.

Trước đó, vào tháng 7/2020, mô hình tên lửa hành trình tái sử dụng đầu tiên của Nga Krylo-SV đã được trình bày tại Trung tâm công nghệ quân sự Era.

Công nghệ in chùm tia điện tử sử dụng bột kim loại

Công ty Ruselectronics, thuộc Rostec đã tạo ra chiếc máy in 3D chùm tia điện tử đầu tiên của Nga, sử dụng vật liệu in là bột kim loại. Thiết bị cho phép sản xuất các sản phẩm siêu bền dành cho ngành hàng không vũ trụ, y học, chế đồ kim hoàn, nghệ thuật, thể thao và công nghiệp ô tô.

"Công nghệ in chùm tia điện tử sử dụng phương pháp nung chảy bột kim loại sẽ cho phép sản xuất các chi tiết linh kiện ở mức độ phức tạp bất kỳ, trong đó có các sản phẩm với kích thước chỉ 0,2-0,4 mm. Trong một số trường hợp, in 3D các sản phẩm với thiết kế bionic sẽ giúp giảm trọng lượng đến 86%, điều không thể đạt được khi sử dụng công nghệ sản xuất truyền thống”, - bộ phận báo chí của Rostec dẫn lời ông Dmitry Trofimov, Tổng Giám đốc cơ sở khoa học- sản xuất Toriy - nhà sáng chế máy in, thuộc Ruselectronics.

Huy Anh/Sputnik