Nga phát triển tên lửa sử dụng nhiều lần chạy khí hóa lỏng
Cập nhật lúc 17:33, Thứ hai, 19/10/2020 (GMT+7)
Tên lửa có thể sử dụng tối đa 10 lần là giải pháp hữu hiệu giúp giảm chi phí mỗi lần phóng tàu vũ trụ.
Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos đã trao một hợp đồng trị giá 5,2 triệu USD cho Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất tên lửa vũ trụ TsSKB-Progress, Samara, Nga, thiết kế phác thảo loại tên lửa tái sử dụng, chạy bằng khí thiên nhiên hóa lỏng Amur-SPG, Tổng Giám đốc công ty Dmitry Baranov cho biết.
Bản thiết kế phác thảo sẽ hoàn thiện vào cuối năm 2020.
|
|
Nga hiện đang sử dụng Soyuz, một loại tên lửa đẩy kì cựu hạng trung, cũng là tên lửa đẩy được sử dụng nhiều nhất trên thế giới với hơn 1.700 lần phóng. Tuy nhiên Soyuz chỉ sử dụng một lần khiến giá thành phóng khá cao. Ảnh: Kremlin.ru. |
Trước đó, có thông tin nói, tên lửa hạng trung Amur –SPG sẽ có hai tầng, tầng một sẽ được thu hồi và có thể tái sử dụng tối đa 10 lần.
Tên lửa có thể mang 9,5 tấn hàng hóa lên quỹ đạo Trái đất thấp với tầng một có thể tái sử dụng và 12 tấn chỉ phóng được một lần duy nhất. Đối với quỹ đạo chuyển tiếp địa tĩnh có thể phóng 2,5 tấn hàng, sử dụng tầng đẩy Fregat và tầng một tái sử dụng.
|
|
Tàu vũ trụ Soyuz MS-16 và tên lửa đẩy Soyuz 2.1a. Ảnh: Andrey Shelepin/Gagarin Cosmonaut Training Center. |
Việc tái sử dụng tên lửa có thể giúp tiết kiệm hàng triệu đô la mỗi lần phóng, dẫn đến chi phí phóng giảm còn 22-35 triệu USD/lần, tùy thuộc vào cấu hình.
Liên quan đến chủ đề này, đầu tháng 8/2020, trả lời phỏng vấn hãng tin Nga RIA Novosti, Giám đốc Roscosmos Dmitry Rogozin, tiết lộ, tập đoàn này đang chế tạo một tên lửa chạy bằng mêtan có thể tái sử dụng ít nhất 100 lần, để thay thế tên lửa Soyuz-2.
Huy Anh/Sputnik