Máy bay không gian X-37B không người lái của Mỹ đã hạ cánh xuống Trung tâm Vũ trụ Kennedy (Florida) của NASA lúc 5h22’ sáng ngày 12/11, sau khi trải qua 908 ngày trên quỹ đạo để thực hiện các thí nghiệm khoa học.
X-37B được phóng ngày 16/5/2000.
Đây là thời gian bay kỷ lục của Tàu quỹ đạo thử nghiệm Boeing X-37B. Sứ mệnh trước đó của nó kéo dài 780 ngày.
Tàu quỹ đạo thử nghiệm (OTV) X-37B tái sử dụng giống Tàu Con thoi của NASA hiện đã nghỉ hưu, nhưng nhỏ hơn nhiều, chỉ dài 8,8 m (tàu con thoi dài 37 m), cao 2,9 m, sải cánh 4,6 m, nặng gần 5 tấn.
|
|
Máy bay không gian X-37B hạ cánh xuống Trung tâm Vũ trụ Kennedy (Florida) của NASA lúc 5h22’ sáng ngày 12/11. Ảnh: Staff Sgt. Adam Shanks. |
Giống như tàu con thoi, X-37B chạy bằng năng lượng mặt trời, phóng thẳng đứng với sự hỗ trợ của tên lửa và bay trở lại Trái đất để hạ cánh trên đường băng. X-37B tự hành, được thiết kế để hoạt động ở độ cao từ 177 đến 805 km.
“Kể từ lần phóng đầu tiên của X-37B vào tháng 4/2010, nó đã phá vỡ nhiều kỷ lục và cung cấp khả năng vô song để nhanh chóng thử nghiệm và tích hợp các công nghệ không gian mới.”, Phó chủ tịch Boeing, nhà phát triển tàu quỹ đạo cho biết.
Trong sứ mệnh thứ 6 (OTV-6), lần đầu tiên, chiếc máy bay không gian này được gắn một mô đun dịch vụ để mở rộng số lượng thí nghiệm có thể được thực hiện trong một sứ mệnh, chủ yếu phục vụ Phòng thí nghiệm nghiên cứu hải quân, Học viện Không quân Mỹ,... Mô đun dịch vụ đã tách thành công trước khi máy bay hạ cánh.
|
|
X-37B giống Tàu Con thoi thu nhỏ. Ảnh: Staff Sgt. Adam Shanks. |
Trong những tuần tới, mô đun dịch vụ sẽ được xử lý theo các quy trình thông lệ tốt nhất.
"Cách thức thận trọng khi chúng tôi tiến hành các hoạt động trên quỹ đạo, bao gồm việc xử lý mô đun dịch vụ nói lên cam kết của Mỹ đối với các hoạt động không gian an toàn và có trách nhiệm, đặc biệt khi vấn đề về các mảnh vỡ quỹ đạo ngày càng tăng có nguy cơ ảnh hưởng đến các hoạt động không gian toàn cầu.”, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall nói.
Một thông tin được tiết lộ cho biết, sứ mệnh OTV-6 đã thành công trong thí nghiệm biến năng lượng mặt trời bên ngoài bầu khí quyển thành năng lượng tần số vô tuyến vi ba để truyền về Trái đất.
|
|
Video tàu X-37B trở về Trái đất. Nguồn: Boeing/ space |
X-37B cũng mang theo vệ tinh thử nghiệm FalconSat-8, được triển khai vào tháng 10/2021 và vẫn duy trì trên quỹ đạo.
Trong khi NASA cũng thực hiện nhiều thí nghiệm, bao gồm phơi nhiễm vật liệu trong môi trường bức xạ dài ngày để kiểm tra khả năng của lớp phủ kiểm soát nhiệt và vật liệu che chắn bức xạ.
Một thí nghiệm khác của NASA nhằm mục đích kiểm tra tác động tiếp xúc với không gian vũ trụ trong thời gian dài đối với hạt giống. Các nhà khoa học quan tâm đến khả năng chịu đựng và tính nhạy cảm của hạt giống trong môi trường không gian khắc nghiệt, đặc biệt là bức xạ vũ trụ.
|
|
X-37B phục vụ các thí nghiệm bí mật của quân đội Mỹ trên quỹ đạo. Ảnh: Staff Sgt. Adam Shanks. |
Thí nghiệm sẽ cung cấp thông tin về việc trồng cây trong không gian cho các sứ mệnh liên hành tinh trong tương lai và thiết lập các căn cứ có người sinh sống lâu dài trong không gian.
“X-37B tiếp tục vượt qua ranh giới thử nghiệm. Khả năng tiến hành các thí nghiệm trên quỹ đạo và đưa kết quả trở về an toàn để phân tích chuyên sâu trên mặt đất đã được chứng minh là có giá trị đối với Không quân và cộng đồng khoa học.”, Trung tá Joseph Fritschen, Giám đốc Chương trình X-37B nói.
|
|
X-37B tiến hành các thí nghiệm trên quỹ đạo và mang kết quả trở về Trái đất để phân tích. Ảnh: U.S.-Air-Force |
“Nhiệm vụ này nhấn mạnh trọng tâm của Lực lượng Không gian vào việc hợp tác trong khám phá không gian và mở rộng khả năng tiếp cận không gian với chi phí thấp cho các đối tác của chúng tôi.”, tướng Chance Saltzman, người đứng đầu các chương trình không gian cho biết.
X-37B hiện đã bay hơn 1,3 tỉ dặm và trải qua 3.774 ngày trong không gian.
Lực lượng Không gian Mỹ được cho là sở hữu hai chiếc X-37B, cả hai đều do Boeing cung cấp để thực hiện các nhiệm vụ bí mật. Cho đến nay, 2 tàu này đã thực hiện 6 sứ mệnh quỹ đạo.