Hiệu sách chỉ bán một cuốn sách
Cập nhật lúc 00:53, Thứ sáu, 01/01/2016 (GMT+7)
Yoshiyuki Morioka có ý tưởng bán sách rất độc đáo, trong một khoảng thời gian, ông chỉ trưng bày và bán duy nhất một cuốn sách tại cửa hiệu nhỏ của mình ở Ginza, Tokyo. (Yoshiyuki Morioka, độc giả, một cuốn sách, hiệu sách)
Yoshiyuki Morioka có ý tưởng bán sách rất độc đáo, trong một khoảng thời gian, ông chỉ trưng bày và bán duy nhất một cuốn sách tại cửa hiệu nhỏ của mình ở Ginza, Tokyo.
Những “con mọt sách” thường quen với việc để mình lạc vào các hiệu sách hàng giờ liền, xem xét, ngắm nhìn hàng trăm nghìn cuốn sách trước khi quyết định mua một vài cuốn. Nhưng ông Morioka không muốn lặp lại phong cách kinh điển ấy. Từ tháng 5/2015, tại Ginza – con phố mua sắm xa hoa của thủ đô nước Nhật, ông mở một hiệu sách rất nhỏ, mỗi tuần chỉ bày bán một đầu sách do chính ông chọn. Do đó cùng với việc bán sách, ông Morioka đang duy trì dịch vụ giới thiệu sách đến độc giả.
|
|
Ông Morioka trả lời phỏng vấn tờ Guardian: “Trước khi mở hiệu sách này ở Ginza, tôi đã kinh doanh một hiệu sách khác ở Kayabacho trong vòng 10 năm. Ở đó tôi bán hàng trăm đầu sách cùng một lúc và từng tổ chức các sự kiện sách thường niên. Trong những sự kiện đó, nhiều người đến hiệu sách hỏi mua cùng một cuốn sách. Sau nhiều lần như thế, tôi tin rằng một hàng sách vẫn có thể hoạt động chỉ với duy nhất một đầu sách. Để có vốn dựng hiệu sách mới, ông Morioka đã bán đi bộ sưu tập khổng lồ các tài liệu tuyên truyền của Nhật Bản trong thời gian chiến tranh.
Hiệu sách bán độc một tựa sách khá nhỏ bé và đơn giản với tường bê tông và trần nhà quét một lớp sơn trắng mỏng. Một cái rương cổ được dùng làm hộp đựng tiền, ở giữa cửa hiệu chỉ có một cái bàn đơn sơ, trưng bày các bản in của một tựa sách duy nhất.
|
|
Theo ông Morioka, kiểu bán sách của ông có lợi ích nổi bật – cửa hàng bán sách cũng chính là phòng trưng bày sách, khiến nội dung của nó sinh động và chân thực hơn với các khách hàng. Ông cho hay: “Ví dụ khi bán một cuốn sách về các loài hoa, cửa hiệu của tôi sẽ trưng bày loại hoa xuất hiện trong cuốn sách đó. Ngoài ra tôi còn mời nhà văn và dịch giả đến cửa hiệu của mình nhiều lần nhất có thể. Bằng cách đó độc giả có thể cảm nhận mình đang thực sự sống cùng tác phẩm”.
Những tựa sách được bày bán ở hiệu sách độc của ông Morioka bao gồm “The True Deceiver” của nhà văn người Thủy Điển Tove Jansson, “Fairy Tales” của Hans Christian Andersen, “Moon Night and Glasses” do nhà văn Nhật Mimei Ogawa viết, “Source of Form” của tác giả Akito Akagi…
Chủ nhân hiệu sách lạ ở Ginza không tiết lộ tiêu chuẩn và quy trình chọn lựa sách để bán và trưng bày. Tuy nhiên phong cách bán sách của ông đã nhận được phản hồi khá tích cực. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, cửa hiệu đã bán được trên 2000 cuốn sách cho không chỉ người địa phương mà còn cả khách quốc tế.
Ông Morioka là một người cổ điển, luôn tin tưởng sách giấy không bao giờ lỗi thời dù thị trường sách online có phát triển cỡ nào. Ông nghĩ rằng: “Một cuốn sách giấy là một vật thể có sức thu hút đặc biệt, một công cụ giao tiếp không thể thay thế”.
Theo Dân trí/OC
.