Ông bố mù lòa lần đầu tiên nhìn thấy khuôn mặt 2 con trai sinh đôi của mình sau ca phẫu thuật phục hồi thị lực có sử dụng răng của chính mình.
 
Anh Tibbetts đồng ý thực hiện cuộc phẫu thuật mang tính “cách mạng” này khi tất cả những nỗ lực chữa trị khác đều thất bại.
 
Quy trình “cấy răng vào mắt” (OOKP) phục hồi thị lực bằng cách sử dụng một giác mạc nhân tạo bằng plastic gọi là kính hình trụ và một chiếc răng của chính bệnh nhân. Kính hình trụ này được ghép vào một lỗ khoan trên răng, sau đó tiến hành cấy vào mắt. Tới khi nào võng mạc còn hoạt động tốt, ánh sáng có thể đi qua kính hình trụ plastic giúp bệnh nhân cải thiện thị lực. Cơ thể sẽ không có phản ứng bài trừ răng vì đây chính là một phần của cơ thể. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ phù hợp đối với một số dạng mù lòa nhất định .
 
Anh Tibbetts chia sẻ: “Hiện giờ tôi đã có thể trông chừng con khi vợ ra ngoài làm việc. Trước đây, bọn trẻ chỉ là những cái bóng lờ mờ, tôi không thể nhìn rõ chúng. Tôi đã phải học cách phân biệt hai đứa bằng giọng nói. Tôi cũng tự hình dung gương mặt bọn trẻ trong đầu mình trước đây nhưng thực sự chúng đáng yêu hơn nhiều. Khả năng nhìn này không kéo dài mãi nên hiện tại tôi đón nhận mỗi ngày trôi qua và cảm thấy biết ơn hơn bao giờ hết”.
 
Vào năm 2009, người đàn ông 42 tuổi Martin Jones cũng lần đầu tiên nhìn thấy người vợ của mình sau phẫu thuật tương tự. Martin bị mù khi bị chiếc bồn nhôm nóng nổ văng vào mặt và chưa một lần nhìn thấy Gill, người anh kết hôn 8 năm sau tai nạn đó.
 
Giáo sư Christopher Liu từ Bệnh viện Mắt Sussex, Brighton, Anh cho biết: “Tôi không đảm bảo rằng OOKP có thể khôi phục hoàn toàn thị lực nhưng nó có tỷ lệ thành công cao. Những bệnh nhân được phẫu thuật có thể nhìn thấy ngay lập tức và chất lượng thị lực có thể rất tốt. Tuy nhiên, nó chỉ phù hợp với một số trường hợp nhất định, đặc biệt là những trường hợp tổn thương giác mạc nghiêm trọng”.
 
Theo VnExpress
.