Huỳnh Tấn Bảo, sáu tuổi, là con trai út trong gia đình có ba người con của vợ chồng Huỳnh Thanh Tân (SN 1978) và Nguyễn Phượng Huỳnh (SN 1982) ở ấp Tịnh Mỹ, xã Tịnh Thới, TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp. Theo lời chị Huỳnh, lúc Bảo được 14 tháng tuổi, gia đình bắt đầu tập cho bé ăn dặm. Tuy nhiên, khi ăn bột nấu với thịt cá là lập tức Bảo nôn ói rồi sốt cao, phải nhập viện điều trị suốt nửa tháng.

 


Năm nay Bảo học lớp lá tại Trường mầm non Tịnh Thới. Vào giờ ăn của lớp, Bảo thường bỏ ra ngoài vì ngột ngạt trước mùi thức ăn. Nếu đói thì bé chạy sang nhà bà ngoại đối diện trường để xin nhúm gạo.

Để kiểm chứng thông tin, tôi tìm đến UBND xã Tịnh Thới và được Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thành Sớm xác nhận: “Trước đây khi mới nghe, tôi cũng nghi ngờ, nhưng sau khi trực tiếp đến nhà tìm hiểu và từ nhiều người trong xóm thì biết chuyện cháu Bảo ăn gạo sống là sự thật”.

Trao đổi với chúng tôi, BS Ngô Thị Kiều Nga, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp cho biết: “Một nhóm các chuyên gia quốc tế sau quá trình nghiên cứu nhiều năm đã xác định được 13 món ăn “phi thực phẩm” mà một số đối tượng “hiếm thấy” thường ăn, bao gồm: cát, đất, phân gà, gạo, rễ sắn sống, than củi, muối, tro... Chứng ăn “phi thực phẩm” có ở mọi lứa tuổi và sinh hoạt của họ vẫn diễn ra bình thường. Vấn đề là cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân”.
 

Theo Tùng Hương
Phụ Nữ TPHCM