Về câu chuyện “đầu thai” đầy lạ lùng của cậu bé ở bản Cọi, đã xuất hiện hai luồng ý kiến trái ngược. Một số ý kiến cho rằng, hiện tượng “đầu thai” là có thực, ngược lại có nhà khoa học lại quả quyết đó chỉ là trường hợp phân ly nhân cách. “Dù tin hay không chuyện “tái sinh” vẫn tồn tại”.
Cháu bé Nguyễn Phú Quyết Tiến bị chết đuối khi mới 5 tuổi. Sau đó, tại bản Cọi, xã Yên Phú, Lạc Sơn, Hoà Bình có xuất hiện thông tin Tiến đã “đầu thai” sang một cháu bé khác ở đây. Cháu bé này tên là Bùi Lạc Bình, sinh năm 2002 con của một gia đình người Mường nhưng từ khi biết nói cứ khăng khăng nhận mình là người Kinh. Câu chuyện đầu thai trên đã gây xôn xao dư luận trong thời gian dài.
Về chuyện “đầu thai”, TS. Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ - Tin học ứng dụng (UIA) khẳng định, không thể coi "đầu thai" là hiện tượng mê tín dị đoan mà chỉ nên coi nó là hiện tượng khó lý giải mà khoa học chưa thể với tới được. "Trên thực tế những câu chuyện về "tái sinh" vẫn tồn tại bất chấp chúng ta có tin hay không", ông Khanh chia sẻ trên báo Bưu điện Việt Nam.
|
Cháu Bình bên bố mẹ nuôi (Nguồn: VietNamNet) |
"Hiện tượng đấy tôi cho là có thực", nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cũng đã bày tỏ quan điểm về các trường hợp "đầu thai" tại bản Cọi trên An ninh thế giới. Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, cần phải nhìn nhận vấn đề trên cơ sở chuỗi thực nghiệm như là một mảng của bộ môn khoa học cận tâm lý mà Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người đang theo đuổi...
Chuyện “đầu thai” ai cũng chỉ nghe kể lại
Chuyện “lẫn lộn” của hai cậu bé Tiến - Bình từ trẻ con cho đến người già ở bản Cọi ai cũng có thể kể vanh vách nhưng tất cả đều là nghe kể lại chứ chưa có ai được chứng kiến.
Trên báo PLTPHCM, đại diện của UBND thị trấn Vụ Bản cho biết: “Trước giờ các sự việc này cũng chỉ là truyền miệng và đến giờ vẫn chưa gây ra sự việc gì giữa các gia đình này nên chúng tôi cũng chưa có hội thảo hay nghiên cứu chính thức nào về vấn đề này”.
Cũng trên tờ này, chị Dự (mẹ cháu Bình) cho rằng, vì hoàn cảnh khó khăn nên phải gửi con cho chị Thuận (mẹ cháu Tiến - cháu bé đã bị chết đuối) để được nuôi nấng đàng hoàng.
Thế nhưng nhiều phụ nữ ở thị trấn Vụ Bản đặt câu hỏi: “Liệu có hay không chuyện dàn xếp giữa hai gia đình để hợp thức hóa chuyện nhận nuôi con nuôi?”. Thực tế, chồng chị Dự là người đi đào vàng, chết vì bệnh AIDS. Vợ chồng chị Thuận từ sau khi sinh cháu Tiến đã không còn khả năng sinh sản dù chạy chữa rất nhiều nơi. Nhu cầu có đứa con nối dõi với họ là rất lớn.
Ngược lại, phía chị Dự, từ ngày chồng chết, chị Dự đi Hà Nội làm ăn, mấy tháng mới về một lần, đứa con trở thành gánh nặng. Từ đó có chuyện Bình sang ở hẳn nhà anh chị Thuận và chuyển sang tên Tiến qua thủ tục cho nhận con nuôi. Bởi vậy, nhiều người địa phương đặt nghi vấn về một bên nhu cầu có con và một bên cần tiền, trong bối cảnh địa phương vốn có đời sống tâm linh phong phú nên đã nảy sinh ra câu chuyện đầu thai quái lạ này.
“Không phải là sự “đầu thai””
Về hiện tượng lạ lùng này, TS Đỗ Kiên Cường cũng chia sẻ trên An ninh thế giới rằng, có thế lý giải trường hợp này là do phân ly nhân cách mà Bình tự nhận mình là Tiến, như một cách để thoát ly thực tế không mong muốn.
Bởi Bình ở miền ngược với gia cảnh khó khăn hơn, trong khi Tiến ở dưới xuôi với gia cảnh thuận lợi hơn. Tại sao Bình biết thông tin về Tiến, biết "Mẹ cháu ở nhà tầng cơ. Mẹ cháu làm việc còn đánh đánh như thế này này" (tức đánh máy)? Có thể đó là kết quả của hiện tượng ký ức ẩn giấu: Bình từng tình cờ nghe một số thông tin về Tiến. Và bộ não con người, dù chỉ của em bé dăm bảy tuổi, cũng đủ khả năng ghép nối chúng thành một câu chuyện có lớp lang.
Được biết, anh Tân, gia đình và hàng xóm đã thử thách nhiều lần mà Bình đều vượt qua nên mọi người mới tin Bình đúng là Tiến "đầu thai". Tuy nhiên, những phép thử đó không thể khách quan vì ước vọng muốn tin của vợ chồng anh Tân quá mạnh, nên mọi người có thể tạo ra nhiều ám hiệu, cả vô tình hay cố ý, giúp Bình dễ dàng vượt qua. Về mặt khoa học, chỉ những người trung gian, hoàn toàn khách quan mới đủ thẩm quyền thử nghiệm.
TS Đỗ Kiên Cường kết luận: "Theo quan điểm cá nhân, đây không phải là sự đầu thai, mà chỉ là một trường hợp phân ly nhân cách”.
Nhìn nhận về vấn đề này, thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Tấn Sơn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm giám định tâm thần TP HCM cũng cho rằng, về khoa học cần phải kiểm tra về mặt tâm thần, tâm lý của đứa trẻ bởi vì có thể rằng đây là một câu chuyện được dựng lên hoặc đây là một triệu chứng trong bệnh tâm thần - bịa chuyện. Hội chứng này, ngay bản thân của người bịa chuyện cũng tự nhận mình không hề có sự thêu dệt, giả dối. Ở đây xảy ra hai trường hợp, nếu cháu bé không phải tâm thần, có thể đứa trẻ bị giựt dây, tác động bởi một ông thầy mo nào đó.
Lan Châu (VNN)