Cục Bảo tồn New Zealand (DOC) cho biết, cuối ngày 17/3, 34 con cá voi hoa tiêu vây dài đã được tìm thấy ở mũi Farewell Spit hẻo lánh trên Đảo Nam, trong đó 29 con đã chết.

Các nhân viên của DOC cùng với nhóm cứu hộ cá voi địa phương thuộc Dự án Jonah, đã cố gắng phục hồi để trả lại biển 5 con cá voi còn sống sót khi thủy triều lên vào buổi sáng.

leftcenterrightdel
Các nhân viên cứu hộ chăm sóc những con cá voi hoa tiêu còn sống sót sau khi bị mắc cạn. Nguồn: DOC. 

“Quá trình cứu hộ có thể mất một thời gian và chúng tôi chưa biết liệu việc này có thành công hay không khi cá đã nằm phơi trên bãi một thời gian,”, DOC cho biết, lưu ý, cá voi mắc cạn là một hiện tượng tự nhiên.

Trong một thông báo vào sáng 18/3, DOC xác nhận, 5 con cá voi hoa tiêu còn sống sót đã được trả về biển khi thủy triều cao lúc 11h sáng 18/3 (6h sáng giờ sáng Việt Nam-PV). Tuy nhiên có 1 con cá voi khác mới bị mắc cạn đã được tìm thấy cách hiện trường vài cây số, nơi cũng có 1 con cá voi đã chết. Lực lượng cứu hộ không rõ liệu con cá  này có nằm trong 5 con vừa trả lại biển hay không.

leftcenterrightdel
Vụ cá voi hoa tiêu mắc cạn hàng loạt tồi tệ nhất tại mũi Farewell Spit xảy ra vào năm 2017. Ảnh: Marty Melville / AFP. 

Mũi Farewell Spit là một dải cát dài 26 km kéo dài ra biển Tasman và tạo ra các bãi cạn kéo dài nhiều cây số khi thủy triều xuống. Tại đây đã chứng kiến hơn 10 vụ cá voi hoa tiêu mắc cạn hàng loạt trong 15 năm qua.

Lần nghiêm trọng nhất xảy ra vào tháng 2/2017, gần 700 con cá voi đã mắc cạn và 250 con đã chết.

leftcenterrightdel
Mũi Farewell Spit thuộc Đảo Nam, New Zealand. Ảnh: GM.

Các nhà khoa học vẫn chưa rõ nguyên do hiện tượng cá voi mắc cạn tại mũi Farewell Spit. Một giả thuyết cho rằng mũi đất tạo ra một đáy biển nông trong vịnh gây nhiễu hệ thống định vị bằng sóng siêu âm của cá voi.

Cá voi hoa tiêu có thể dài tới 6 m, là loài cá voi phổ biến nhất ở vùng biển New Zealand.

Văn Phong/AP, Alja, DOC