Một miệng núi lửa khổng lồ sâu 164 feet (50 m) đã bất ngờ xuất hiện trên lãnh nguyên Bắc Cực của Siberia, Nga.

Miệng núi lửa đã được một đoàn làm phim người Nga tình cờ phát hiện vào đầu mùa hè này khi họ đang bay qua bán đảo Yamal ở Siberia.

Sau khi quan sát miệng núi lửa, các nhà khoa học nói, cái hố rất có thể hình thành do một vụ nổ khí mê-tan tích tụ dưới mặt đất sau khi băng tan do nắng nóng bất thường.

leftcenterrightdel
Đã có 9 miệng núi lửa kì lạ xuất hiện ở Siberia, vùng Bắc Cực, Nga kể từ năm 2013. Ảnh: Assaad Razzouk/Rossia.

Evgeny Chuvilin, nhà khoa học tại Trung tâm Skoltech về phục hồi hydrocacbon của Nga, người đã nghiên cứu một miệng núi lửa tương tự được tìm thấy trong cùng khu vực cách đây 2 năm, nói với Newsweek: “Hiện tại vẫn chưa có lý thuyết đầy đủ về sự hình thành của những miệng núi lửa này bởi các sự kiện bùng nổ như vậy khá hiếm và xảy ra tại những khu vực hẻo lánh ít được quan sát”.

Các nhà khoa học tin rằng, khí mê-tan bị mắc kẹt trong các túi sâu dưới mặt đất được gọi là "hố lạnh", có nhiều ở vùng Bắc Cực của Nga.

Khí mê-tan tích tụ tạo ra một áp lực lớn lên mặt đất. Một khi lớp băng vĩnh cửu trên nó bắt đầu tan, nó sẽ trở nên không ổn định và có thể gây ra những vụ nổ lớn. 

leftcenterrightdel

Một miệng núi lửa trên bán đảo Yamal, phía bắc Siberia, Nga. Ảnh: AFP/Getty Images.

Khu vực Siberia, Nga đã trải qua một mùa hè đổ lửa với nhiệt độ nóng kỷ lục, lên đến 38 độ C vào tháng 6, được cho là năm nóng nhất được ghi nhận ở Nga, gây ra hàng trăm đám cháy rừng hoành hành khắp Siberia.

Nhiệt độ ở Nga trung bình cao hơn bình thường từ 6-8 độ C trong mùa đông này, đặc biệt tại khu vực Siberia. Sức nóng đã làm suy yếu lớp băng vĩnh cửu, tạo cơ hội nảy sinh nhiều hiện tượng kì lạ. 

Đây là miệng núi lửa thứ 9 thuộc loại này được phát hiện trong khu vực Siberia kể từ năm 2013.

Huy Anh