leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa - AFP

Sự việc khiến cộng đồng Pháp dấy lên lo ngại thực phẩm, nguồn nước hay không khí nhiễm độc là thủ phạm gây ra hiện tượng đau lòng này.

Quyết định điều tra được ban hành sau khi Pháp phát hiện thêm 11 ca trẻ sơ sinh chào đời không tay tại khu vực miền Đông Ain trong tuần. Giám đốc Viện Giám sát y tế công cộng Pháp, ông François Bourdillon, ngày 31/10 cho biết kết quả điều tra sẽ công bố trong vòng 3 tháng tới. Bộ Y tế phối hợp với Cơ quan Môi trường và An toàn Thực phẩm thực hiện điều tra.

Hiện tượng trẻ sơ sinh chào đời biến dạng hoặc thiếu hẳn phần tay lần đầu xuất hiện tại 2 khu vực miền Tây nước Pháp – bốn ca ở khu vực Brittany từ năm 2011-2013 và ba ca ở khu vực Loire-Atlantique từ năm 2007-2008.

Bộ trưởng Bộ y tế Agnès Buzyn cho biết: “Tôi muốn biết. Tôi nghĩ mỗi công dân Pháp cũng đều muốn biết. Nó có thể do yếu tố môi trường. Có thể là do thứ mà người mẹ ăn, uống hoặc hít thở”.

Nhà khoa học nghiên cứu bệnh dịch Emmanuelle Amar – người đầu tiên nhận thấy hiện tượng khác thường ở Ain – cho biết điểm chung duy nhất mà những bà mẹ đẻ con thiếu tay là họ sống tại các khu vực trồng cây lấy hạt, giữa cánh đồng ngô và hoa hướng dương.

Bên cạnh đó, một số nông dân khu vực Ain báo cáo một số trường hợp bê mới sinh tại đây thiếu đuôi hoặc lườn.

Một quan chức thuộc Cơ quan An toàn Thực phẩm Quốc gia Pháp khẳng định cơ quan này sẽ mở cuộc điều tra riêng rẽ về trường hợp vật nuôi dị dạng trong khu vực.

Dữ liệu đăng ký ở bệnh viện Pháp cho thấy tỷ lệ các trường hợp khuyết tật chân tay là 1,7/10.000 ca sinh, tương đương mỗi năm phát hiện 150 trường hợp. Dị tật bẩm sinh có thể có nhiều nguyên nhân, bao gồm rối loạn nhiễm sắc thể, sử dụng ma túy hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.

Vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, khoảng 10.000 trẻ em trên toàn thế giới được sinh ra trong tình trạng chân tay bị dị dạng hoặc không có sau khi người mẹ dùng thuốc thalidomide để điều trị ốm nghén.

Theo Hồng Hạnh/Báo Tin tức