Cục Bảo tồn New Zealand (DOC) cho biết, gần 500 con cá voi hoa tiêu đã dạt vào bãi biển quần đảo Chatham, cách đảo Nam, đảo chính của New Zealand 840 km về phía Đông, trong hai vụ mắc cạn hàng loạt riêng biệt được người dân báo cáo vào cuối tuần qua.

Một nhóm chuyên gia bảo tồn thuộc DOC đóng trên đảo Pitt, hòn đảo lớn thứ hai của quần đảo, nơi 250 con cá voi hoa tiêu vừa chết, đã tới hiện trường.

leftcenterrightdel
 Cá voi hoa tiêu mắc cạn trên quần đảo Chatham, New Zealand vào ngày 8/10. Ảnh: Courtesy Tamzin Henderson.

Nhóm cho biết, đây là một khu vực hẻo lánh và biệt lập của thế giới, dân số thưa thớt. Đáng lưu ý hiện trường gần vùng nước có nhiều cá mập trắng lớn sinh sống, có thể gây nguy hiểm cho cả người và cá voi.

Ông Dave Lundquist, cố vấn kỹ thuật của DOC, nói, họ không cố gắng phóng thích cá voi mắc cạn trở lại biển do nguy cơ bị cá mập tấn công đối với cả người và cá voi. 

Ông Lundquist cho biết, sau khi nhóm kỹ thuật đánh giá tình hình, những con cá voi còn sống sót đã được an tử để giải thoát khỏi những đau đớn sau đó, một lựa chọn bất đắc dĩ và được cho là tốt nhất.

leftcenterrightdel
 Một vụ cá voi mắc cạn hàng loạt ở New Zealand. Nguồn: ABC News.

Theo Tổng giám đốc tổ chức cứu hộ Project Jonah, Daren Grover, hầu hết những con cá voi hoa tiêu đã chết khi dạt lên bờ và những con sống sót trong tình trạng kiệt sức.

“Số lượng cá voi mắc cạn nhiều như vậy ở một địa điểm là điều không bình thường, nhưng chắc chắn không phải là chưa từng xảy ra.”, ông Grover nói, lưu ý, ngoài rủi ro do cá mập gây ra, các đội cứu hộ gặp khó khăn bởi gần như không thể tiếp cận hiện trường trong thời gian ngắn để có thể cứu hộ cá voi.

Vụ mắc cạn hàng loạt xảy ra chưa đầy một tháng sau khi khoảng 200 con cá voi hoa tiêu chết khi mắc cạn trên bờ biển Tasmania của Australia.

leftcenterrightdel
 250 con cá voi chết sau khi mắc cạn trên đảo Rangiauria / Pitt, quần đảo Chatham. Nguồn: @ProjectJonah.

Theo DOC, việc cá voi hoa tiêu bị mắc cạn xảy ra khá thường xuyên nhưng các chuyên gia chưa hiểu rõ nguồn cơn hiện tượng này. 

Hầu hết các nhà khoa học tin rằng, các cá thể cá voi mắc cạn là do chúng bị bệnh và sắp hết tuổi thọ tự nhiên.

Quần đảo Chatham, nơi sinh sống của khoảng 600 người, là một trong ba “điểm nóng mắc cạn” hàng đầu ở New Zealand. Vào năm 1918, quần đảo chứng kiến vụ cá voi hoa tiêu mắc cạn lớn nhất từng được ghi nhận với khoảng 1.000 cá thể.

Văn Phong/CNN, ProjectJonah