Chảo lửa Kashmir hừng hực cháy

Căng thẳng ở Kashmir, vùng đất tranh chấp 7 thập niên giữa biên giới Ấn Độ và Pakistan, đã bùng cháy trở lại sau khi nhóm phiến quân thánh chiến Jaish-e-Mohammed (JEM) hôm 14-2 tiến hành cuộc tấn công tự sát vào căn cứ quân đội Ấn Độ ở vùng tranh chấp Kashmir khiến 44 binh sĩ thiệt mạng.

leftcenterrightdel
 Hiện trường vụ đánh bom đẫm máu hôm 14-2. Ảnh: EPA

Đây là một trong những tổn thất lớn nhất của quân đội Ấn Độ trong nhiều thập niên qua do phiến quân gây ra, khiến New Delhi tức giận và quyết tâm đáp trả. Vài ngày sau, Ấn Độ điều chiến đấu cơ cùng một số khí tài đến khu vực Kashmir để tấn công phiến quân JEM.

Tuy nhiên, do JEM hoạt động chủ yếu bên phần lãnh thổ do Pakistan kiểm soát nên chiến đấu cơ của Ấn Độ hôm 25-2 đã áp sát khu vực này. Cùng ngày, Islamabad nói rằng một phi đội chiến đấu cơ JF-17 của nước này đã được điều tới chặn chiến đấu cơ Ấn Độ hoạt động gần không phận.

Trung tướng không quân Pakistan Asif Ghafoor nói rằng máy bay Ấn Độ khi đó thậm chí đã khai hỏa vào một khu vực cách thủ đô Islamabad còn 100km.

Tới ngày 26-2, chiến đấu cơ Ấn Độ một lần nữa được xác nhận vượt qua ranh giới phân chia Kashmir, tiến vào khu vực do Pakistan kiểm soát để không kích. Vụ việc này khiến Pakistan tức giận và thề sẽ phản ứng mạnh.

Đến sáng 27-2, lời đe dọa của Pakistan trở thành hiện thực. Islamabad cho biết họ đã bắn hạ hai máy bay Ấn Độ, một chiếc rơi xuống khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát trong khi máy bay còn lại rơi xuống phía Ấn Độ và bắt giữ một phi công. Ấn Độ nói rằng họ đã bắn rơi một máy bay F-16 của Pakistan song chưa đưa ra bằng chứng.

leftcenterrightdel
Mảnh vỡ của máy bay MiG-21 bị Pakistan bắn rơi. Ảnh: AFP 

Sau vài ngày tranh cãi, Pakistan ngày 1-3 đã trao trả viên phi công cho Ấn Độ. Nhiều người hi vọng bước đi này sẽ dập tắt đốm lửa vừa bùng phát ở Kashmir. Tuy nhiên, bước đi trên là chưa đủ để hạ nhiệt căng thẳng.

Trong những ngày qua, các vụ pháo kích qua lại giữa hai nước vẫn tiếp diễn ở khu vực Đường kiểm soát ranh giới (LoC), khiến 8 người thiệt mạng, bao gồm một gia đình 3 người ở vùng Poonch của Ấn Độ.

Sáng nay (5-3), một máy bay không người lái (UAV) của Pakistan lại đã xâm phạm không phận Ấn Độ và bị lực lượng phòng không của New Delhi phát hiện. “Một tiêm kích đa năng Su-30MKI sau đó đã được triển khai và bắn hạ mục tiêu bằng tên lửa đối không”, nguồn tin quốc phòng Ấn Độ thông báo với hãng tin ANI.

Mâu thuẫn chồng chất

“Vẫn luôn tồn tại ở đó những yếu tố trên thực địa mà cả hai nước này không chấp nhận thay đổi”, Michael Kugelman, chuyên gia về Nam Á tại Trung tâm Woodrow Wilson (Mỹ) nhận định với CNBC, cho rằng vụ đụng độ Ấn Độ và Pakistan là rất nghiêm trọng, song có thể lý giải khi mà hai nước đã trải qua hơn 7 thập kỉ đối đầu căng thẳng.

Ngược lại lịch sử, vào năm 1947, Anh rút khỏi thuộc địa Ấn Độ, dẫn đến việc nơi này tách thành hai quốc gia: Ấn Độ - nơi có đa số dân theo đạo Hindu và Pakistan - nơi đa số người Hồi giáo sinh sống. Tuy nhiên, vùng biên giới mang tên Kashmir lại chưa thể phân định thuộc Ấn Độ hay Pakistan.

Người lãnh đạo Kashmir khi đó là ông Maharaja Hari Singh theo đạo Hindu, trong khi phần lớn dân số tại khu vực này là người Hồi giáo. Ông Maharaja Hari Singh muốn giữ Kashmir ở vị trí trung lập, nhưng Pakistan lại tiến quân vào vùng đất này để chiếm đóng.

Cuối cùng, Maharaja Hari Singh tìm đến Chính phủ Ấn Độ nhờ hỗ trợ và quyết định sáp nhập vùng đất này vào cùng Liên minh Ấn. Đến năm 1949, Pakistan thất bại trên thực địa. Hai nước sau đó chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn kèm nội dung chia vùng lãnh thổ này làm 2 phần với 37% thuộc Pakistan gọi là Azad-Kashmir, và 63% thuộc Ấn gọi là bang Jammu và Kashmir.

Tuy nhiên, sau cuộc chiến này, vùng Kashmir vẫn tiếp tục chứng kiến nhiều cuộc xung đột lớn nhỏ khác giữa Ấn Độ - Pakistan, bao gồm cuộc chiến năm 1971 khiến 10.000 người thiệt mạng và cuộc đụng độ năm 1999, làm gần 3.000 người thương vong.

Trong thập niên gần đây, Pakistan không còn nhắc tới ý định đòi kiểm soát toàn bộ Kashmir nữa, nhưng sự trỗi dậy của phong trào đòi ly Kashmir khỏi sự kiểm soát của Ấn Độ lại phát triển nhanh chóng, kéo theo đó là hoạt động tấn công khủng bố đẫm máu nhằm vào binh sĩ và dân thường Ấn Độ.

leftcenterrightdel
Các tay súng khủng bố ở Pakistan. Ảnh: EPA 

Vấn đề là, dù Islamabad bác bỏ cáo buộc hậu thuẫn các nhóm này, thì trong mọi vụ tấn công khủng bố xảy ra trên đất Ấn Độ, các nhóm vũ trang nhận trách nhiệm đều đang hoạt động công khai ở Pakistan. Trong các tuyên bố gần đây, chính Mỹ cũng cáo buộc Pakistan chưa đạt hiệu quả trong các nỗ lực trấn áp khủng bố và hối thúc Islamabad hành động quyết liệt hơn. Điều này theo đó đã khoét sâu hơn mâu thuẫn giữa hai đối thủ ở Nam Á.

“Nếu muốn cứu nhân loại, chúng ta phải nói với các quốc gia hỗ trợ và cung cấp nơi trú ẩn cho những kẻ khủng bố rằng, hãy phá hủy cơ sở hạ tầng của các trại khủng bố và ngừng cung cấp tài chính, nơi trú ẩn cho các tổ chức khủng bố”, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj nói ngày 2-3, hàm ý nhằm vào Islamabad.

“Chính sách của chính phủ Pakistan sẽ không cho phép lãnh thổ của chúng tôi bị bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào lợi dụng để khủng bố chống lại bất kỳ ai, trong đó bao gồm Ấn Độ”, Ngoại trưởng Pakistan Keith Qureshi lên tiếng phủ nhận cáo buộc.

Nguy cơ chiến tranh hạt nhân 

Vì mâu thuẫn chồng chất mâu thuẫn, nên nên bầu không khí thù địch giữa Ấn Độ và Pakistan hiện nay đang khiến cả thế giới lo ngại. Cuộc khủng hoảng này càng nghiêm trọng hơn, khi nó xảy ra sau khi hai nước đều tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân.

Pakistan khó có thể sánh kịp Ấn Độ về số lượng máy bay chiến đấu, quân số, thiết giáp hay trực thăng. Ngân sách quân phòng của Ấn Độ năm 2018 lên đến 64 tỷ USD, còn của Pakistan chỉ vào khoảng 11 tỷ USD.

Tuy nhiên, hai bên lại có kho vũ khí hạt nhân tương đương. Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Ấn Độ hiện sở hữu khoảng 130-140 đầu đạn hạt nhân, còn Pakistan cũng có tới 140-150 đầu đạn.

leftcenterrightdel
Tên lửa hạt nhân của Pakistan. 

“Hai bên đều có khả năng gây tổn thương cho bên kia, điều đó có nghĩa là một cuộc xung đột hạt nhân ở Nam Á sẽ có hậu quả khủng khiếp”, Ankit Panda, chuyên gia từ Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ tại Washington DC nói, theo The Diplomat. “Họ có thể sẽ nhắm mục tiêu vào các trung tâm đô thị trọng yếu của nhau”.

Về chính sách sử dụng hạt nhân, Ấn Độ tuân theo nguyên tắc không tấn công phủ đầu mà chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp cần một cuộc tấn công trả đũa mạnh đến mức đối thủ không thể đánh trả.

Trong khi đó, Pakistan không nói gì về học thuyết của họ và có khả năng Islamabad không tuân theo nguyên tắc trên, nghĩa là họ có thể sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt để phủ đầu đối thủ ngay khi cảm thấy mối đe dọa. 

Trước tình hình căng thẳng ở Nam Á leo thang, Nhà Trắng lên án cuộc xung đột và yêu cầu hai nước thực hiện ngay lập tức các biện pháp để giảm tình trạng leo thang xung đột. Tuyên bố này được chia sẻ và ủng hộ bởi Nga, Liên minh châu Âu và nhiều tổ chức quốc tế lớn khác.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia cho rằng, để căng thẳng thực sự hạ nhiệt, bên cạnh nỗ lực của cộng đồng quốc tế thì Ấn Độ và Pakistan cũng phải cho thấy các động thái thiện chí, bao gồm các hoạt động chấm dứt leo thang trên thực địa.

Thái An