Theo số liệu vừa được Bộ Công an công bố, trong tháng 5/2022 (từ ngày 15/4/2022 đến ngày 14/5/2022) toàn quốc xảy ra 3.558 vụ phạm tội về trật tự xã hội; khám phá 3.043 vụ; bắt giữ, xử lý 6.001 đối tượng; tỉ lệ khám phá đạt 85,53%; triệt phá 38 băng, nhóm.

Về số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, toàn quốc xảy ra 399 vụ, so với tháng 4/2022 tăng 52 vụ; 75 vụ phạm tội về môi trường, an toàn thực phẩm (so với tháng 4/2022 tăng 11 vụ).

Cùng với đó, trong tháng cả nước xảy ra 1.949 vụ phạm tội về ma túy, (tăng 123 vụ so với tháng 4/2022). 

Trong công tác truy nã, toàn quốc đã bắt, vận động đầu thú, thanh loại 375 đối tượng truy nã, 121 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. So với tháng 4/2022, số đối tượng truy nã đã bắt, vận động đầu thú và thanh loại tăng 11 đối tượng; số đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm bị bắt, vận động đầu thú và thanh loại tăng 18 đối tượng.

Về tình hình tai nạn giao thông, toàn quốc xảy ra 923 vụ, làm chết 484 người, bị thương 647 người. So với tháng 4/2022, giảm 122 vụ, giảm 115 người chết, giảm 43 người bị thương.

leftcenterrightdel
 Công an Điện Biên phá chuyên án 522-D, bắt đối tượng mua bán 2 bánh heroin, 12.000 viên ma tuý. (Ảnh minh hoạ)

Mặt khác, trong tháng, toàn quốc xảy ra 252.533 vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông bị xử lý; xử phạt 338,23 tỉ đồng; tạm giữ 50.644 ô tô, mô tô, xe máy... Đồng thời, xảy ra 154 vụ cháy, làm chết 10 người, bị thương 3 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 33,23 tỉ đồng.

Cũng theo thông tin từ Bộ Công an cho biết, hiện nay có 3 loại ma tuý đã thâm nhập và được một số đối tượng sử dụng trái phép ở Việt Nam, đó là: Ma tuý có nguồn tự nhiên, phổ biến là: Thuốc phiện (bao gồm: nhựa, quả cây thuốc phiện); cần sa (bao gồm: lá, rễ, thân, cành, hoa, quả và nhựa của cây cần cần sa); lá khát (lá cây Catha edulis); …

Ma tuý bán tổng hợp, phổ biến là: Heroine; Cocaine; Morphine;…

Ma tuý tổng hợp, phổ biến là: Ma tuý đá (MDMA, Amphetamine, Methamphetamine); Ketamine; “Nước biển” (GHB);…

Về các biện pháp phòng, chống ma tuý trong trường học và ngoài xã hội gồm 2 biện pháp. Trước hết, đối với biện pháp phòng ngừa được thể hiện dưới nhiều hình thức như: Triển khai phổ biến, học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống ma tuý. 

Tổ chức mít tinh, phát động phong trào toàn dân đoàn kết phòng, chống ma tuý; tổ chức cuộc thi tìm hiểu về tác hại của ma tuý, các quy định của pháp luật về phòng, chống ma tuý; tổ chức các biện pháp tuyên truyền phòng, chống ma tuý trực quan như: Băng rôn, khẩu hiệu đặt ở trong trường học, các vị trí công cộng ngoài xã hội; xây dựng và biên soạn các giáo trình, học liệu về phòng, chống ma tuý đối với từng đối tượng;…

Xây dựng, triển khai thực hiện mô hình cai nghiện tự nguyện.

Các biện pháp đấu tranh, trấn áp gồm: Tổ chức hoạt động tố giác tội phạm; cai nghiện bắt buộc; xử phạt hành chính; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về ma tuý.

P.V