leftcenterrightdel
 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: TTXVN

Trả lời báo chí về vấn đề chuyển giao công nghệ vắc xin, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, trong thời gian qua, song song với việc triển khai mạnh mẽ công tác ngoại giao vắc xin để nhằm vận động các đối tác, các nước, các tổ chức quốc tế về khả năng mua và viện trợ vắc xin phòng chống COVID-19, Việt Nam cũng đã tập trung tìm kiếm các cơ hội hợp tác, nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin nhằm đảm bảo nguồn cung lâu dài trong nước, tiến tới khả năng có thể tự chủ vắc xin phòng chống COVID-19.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn một thành viên vaccine và sinh phẩm y tế số 1 (VABIOTECH) đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vắc xin phòng chống COVID-19 Sputnik V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/tháng bắt đầu từ tháng 7/2021, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô khoảng 100 triệu liều/năm. Công ty VABIOTECH cũng đang xúc tiến đàm phán với đối tác Nhật Bản để sớm tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cho Việt Nam.

Bộ Y tế cũng cho biết cơ quan chức năng đã thảo luận, đàm phán với Nhà sản xuất Hoa Kỳ về điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng chống COVID-19 từ tinh chất mRNA. Nhà máy sản xuất sẽ được đầu tư theo chuẩn công nghệ của nhà sản xuất sẽ có công suất 100-200 triệu liều/năm, dự tính bắt đầu sản xuất từ quý 4 năm nay hoặc quý 1 năm tới.

Bộ Ngoại giao đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Y tế về khả năng đàm phán, hợp tác với các đối tác tiềm năng tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Cuba, Israel, Anh, Đức trong chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cũng như thuốc điều trị COVID-19.

PV